Tiền đái tháo đường: Tỷ lệ mắc bệnh và 5 yếu tố nguy cơ gây bệnh
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Tiền đái tháo đường là trạng thái rối loạn đường huyết “nhẹ” hơn đái tháo đường. Có thể coi tiền đái tháo đường như một giai đoạn trung gian giữa đường huyết bình thường và đái tháo đường.
1. Tỷ lệ mắc tiền đái tháo đường
Tại một số quốc gia như Hoa Kỳ, lên đến 38% người trưởng thành mắc tiền đái tháo đường (Hình 1) [1]. Đây là một con số cao tới mức đáng ngạc nhiên, tương đương cứ khoảng 3 người thì có 1 người trong tình trạng tiền đái tháo đường.
Bạn có thể tự hỏi rằng tại sao tỉ lệ tiền đái tháo đường lại cao như thế, và bản thân có thể làm gì để hạn chế rơi vào nhóm này.
2. Yếu tố nguy cơ dẫn đến tiền đái tháo đường
Để tìm hiểu vấn đề trên, bạn cần biết về khái niệm yếu tố nguy cơ. Đó là những yếu tố mà nếu có chúng, khả năng tiến triển thành tiền đái tháo đường của bạn trở nên cao hơn so với người bình thường.
Mặc dù điều này không có nghĩa bạn chắc chắn sẽ mắc tiền đái tháo đường nhưng nếu mang càng nhiều yếu tố nguy cơ, nguy cơ mắc bệnh của bạn càng cao.
Có người thân bị đái tháo đường
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (American Diabetes Association – ADA), các yếu tố nguy cơ đã được biết đến của tiền đái tháo đường là có người thân trực hệ (bố mẹ, anh chị em ruột, con ruột) bị đái tháo đường, bạn bị bệnh tim mạch xơ vữa, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân-béo phì, hội chứng buồng trứng đa nang (với nữ) hoặc ít hoạt động thể lực [2].
Béo phì
Một nghiên cứu ở Tây Ban Nha (nghiên cứu PREDAPS) đã phân tích cụ thể mức độ nguy cơ cụ thể của từng yếu tố này [3]. Đây là công trình tiến hành trên hơn 2000 người, so sánh tỉ lệ các yếu tố nói trên giữa nhóm có và không có tiền đái tháo đường. Kết quả ghi nhận, béo phì làm bạn tăng nguy cơ tiền đái tháo đường lên khoảng 2.5 lần.
Trong đó, nam chịu ảnh hưởng nhiều hơn nữ (2.51 lần so với 2.26 lần). Trong nghiên cứu trên dân số châu Âu này, béo phì được định nghĩa bằng chỉ số khối cơ thể (body mass index – BMI) lớn hơn hoặc bằng 30 kg/m2. Tuy nhiên, với người châu Á, bạn chỉ cần vượt mức BMI 25 đã được gọi là béo phì.
Béo bụng
Ngoài béo phì toàn thể, có một dạng béo phì khu trú hơn, gọi là béo bụng. Mỡ bụng, đặc biệt mỡ nội tạng, không tốt cho sức khỏe. Ở người châu Á, vòng eo lớn hơn 90 cm (nam) hay 80 cm (nữ) là một thành tố của hội chứng chuyển hóa.
Trong nghiên cứu nói trên, nếu bị béo bụng, nguy cơ mắc tiền đái tháo đường của bạn tăng 2.87 lần (nam) và 2.55 lần (nữ). Như vậy, có thể thấy béo bụng là yếu tố nguy cơ tiền đái tháo đường mạnh hơn cả béo phì toàn thể. Đó cũng là lý do mà số đo vòng eo nên được quan tâm như một tiêu chuẩn sức khỏe (Hình 2) [4].
Kết quả này cũng gần tương tự với một nghiên cứu mới đây ở Pháp (nghiên cứu CONSTANCES) [5]. Người béo bụng đơn thuần có nguy cơ mắc tiền đái tháo đường cao hơn người thừa cân-toàn thể. Nếu kết hợp cả hai tình trạng, khả năng mắc tiền đái tháo đường càng cao thêm.
>> Xem thêm: Chế độ ăn Keto trong đái tháo đường tuýp 2
Chỉ số lipid máu xấu
Trong các chỉ số lipid máu, low density lipoprotein-cholesterol (LDL-C), high density lipoprotein-cholesterol (HDL-C) và triglyceride là yếu tố nguy cơ quan trọng của tiền đái tháo đường. LDL-C, hay thường được gọi là “lipid xấu”, trong khi HDL-C thường được biết đến là “lipid tốt”.
Sự kết hợp giữa LDL-C cao và HDL-C thấp làm tăng khả năng mắc tiền đái tháo đường của bạn lên 1.94 lần (nam) hoặc 1.82 lần (nữ). Triglyceride ảnh hưởng nhẹ hơn, làm tăng 1.61 lần khả năng bị tiền đái tháo đường (nam) nhưng tác động ở nữ giới ít rõ rệt bằng.
Ngược lại, chỉ số cholesterol toàn phần không có nhiều giá trị. Như vậy, nam giới chịu ảnh hưởng xấu của rối loạn lipid máu mạnh hơn nữ giới. Điều này có thể bởi vì nam giới vốn nhạy cảm với tình trạng rối loạn đường huyết hơn [5]
Tăng huyết áp dẫn đến tiền đái tháo đường
Tương tự như vậy, nếu bạn bị tăng huyết áp, nguy cơ tiền đái tháo đường tăng thêm từ 1.79 đến 2.33 lần, trong đó nam tăng nguy cơ nhiều hơn nữ. Có nhiều giả thiết cho rằng tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì và tiền đái tháo đường hoặc đái tháo đường cùng là hậu quả của một hiện tượng chung tên là đề kháng insulin (hội chứng chuyển hóa).
3. Yếu tố nguy cơ thay đổi được
Dù xảy ra theo cơ chế nào, có thể nhận ra rằng khi đã có một trong các bệnh lý này, nguy cơ mắc những tình trạng còn lại cũng tăng. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là các bệnh lý kể trên được xếp loại “yếu tố nguy cơ thay đổi được”.
Điều đó có nghĩa rằng, bạn có thể quản lý và thay đổi chúng theo chiều hướng tích cực. Một khi được kiểm soát đạt mục tiêu điều trị, khả năng mắc tiền đái tháo đường của bạn có thể giảm xuống mức tối thiểu.
Tóm lại, thừa cân-béo phì (đặc biệt là béo bụng), tăng huyết áp và rối loạn lipid máu làm tăng nguy cơ tiền đái tháo đường. Đây là các yếu tố nguy cơ có thể quản lý nhờ chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực và thuốc (nếu cần), từ đó giảm khả năng mắc tiền đái tháo đường.
>> Xem thêm: 14 dấu hiệu bệnh đái tháo đường nên phát hiện sớm
Tài liệu tham khảo
- https://www.cdc.gov/diabetes/data/statistics-report/prevalence-of-prediabetes.html
- ElSayed NA, Aleppo G, Aroda VR, et al. 2. Classification and Diagnosis of Diabetes: Standards of Care in Diabetes-2023 [published correction appears in Diabetes Care. 2023 Feb 01;:]. Diabetes Care. 2023;46(Suppl 1):S19-S40. doi:10.2337/dc23-S002
- Díaz-Redondo A, Giráldez-García C, Carrillo L, et al. Modifiable risk factors associated with prediabetes in men and women: a cross-sectional analysis of the cohort study in primary health care on the evolution of patients with prediabetes (PREDAPS-Study). BMC Fam Pract. 2015;16:5. Published 2015 Jan 22. doi:10.1186/s12875-014-0216-3
- https://elcaminowomen.com/blog/wellness/abdominal-obesity-a-new-marker-for-health-risk.html
- Gregory Lailler, Sonsoles Fuentes, Sofiane Kab et al. Prevalence and risk factors associated with prediabetes and undiagnosed diabetes in France: The national CONSTANCES cohort. Diabetes Epidemiology and Management. 2023;10:100121.
VN_GM_PREDIA_419;EXP:30/7/2025
- Thay đổi lối sống lành mạnh - Nền tảng trong điều trị đái tháo đường!
- Người mắc bệnh đái tháo đường uống mật ong được không?
- Chăm sóng người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn cuối đời
- Chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân đái tháo đường
- Bệnh đái tháo đường có lây không và làm thế nào để phòng ngừa?
- Thức khuya đái tháo đường: Hệ lụy tiềm ẩn nguy hiểm chớ nên xem thường
- Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
- Mức đường huyết của người trên 60 tuổi ổn định ở mức bao nhiêu?
- Mối tương quan giữa béo phì và đái tháo đường
- Người mắc đái tháo đường uống nước dừa được không? Cần lưu ý gì?
- Người bệnh đái tháo đường bị ngứa da: Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
- Bàn chân đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp