Bệnh thận đái tháo đường: Biến chứng nguy hiểm cần phòng ngừa

Bệnh thận đái tháo đường: Biến chứng nguy hiểm cần phòng ngừa

Bệnh thận đái tháo đường: Biến chứng nguy hiểm cần phòng ngừa

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Bệnh thận đái tháo đường là biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường tuýp 1 hoặc đái tháo đường tuýp 2. Tại Hoa Kỳ, cứ 3 người bệnh đái tháo đường thì có một người gặp biến chứng thận (Hình 1) [1, 2]. Ở Việt Nam, theo khảo sát của Bộ Y tế năm 2022, khoảng 24% trong tổng số 5 triệu người đái tháo đường đã có vấn đề về thận [3].

Khoảng một phần ba số bệnh nhân đái tháo đường có bệnh thận mạn
Hình 1: Khoảng một phần ba số bệnh nhân đái tháo đường có bệnh thận mạn [2]

Bệnh thận đái tháo đường ảnh hưởng đến khả năng của thận trong việc loại bỏ nước dư thừa và chất độc ra khỏi cơ thể bạn. Khi đường huyết cao trong nhiều năm, thận của bạn dần bị tổn thương và giảm hoạt động. Nếu phần lớn mô thận bị phá hủy, bạn có thể tiến đến bệnh thận mạn giai đoạn cuối. Đây là một tình trạng nguy hiểm vì cơ thể ứ đọng chất độc. Người bệnh ở thời điểm này cần chạy thận nhân tạo để duy trì sức khỏe.

1. Bệnh thận đái tháo đường có triệu chứng gì?

Bệnh thận mạn, do đái tháo đường hoặc các nguyên nhân khác, thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Bệnh tiến triển âm thầm đến khi chức năng thận giảm nhiều. Lúc này, bạn có thể gặp phải những biểu hiện như mệt mỏi, phù tay, chân hoặc mặt, chán ăn, buồn nôn, thay đổi hoạt động đi tiểu. Đây là các triệu chứng không đặc hiệu của bệnh thận. Nói cách khác, chúng còn có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác.

Một trong những biểu hiện sớm nhất trên xét nghiệm là phát hiện đạm trong nước tiểu. Do vậy, người bệnh đái tháo đường sẽ được bác sĩ chỉ định xét nghiệm đạm niệu định kỳ nhằm chẩn đoán sớm bệnh thận đái tháo đường.

Thận là cơ quan có mối liên hệ mật thiết với nhiều hệ cơ quan khác trong cơ thể. Do vậy, bệnh thận mạn làm tình trạng tăng huyết áp hoặc đái tháo đường sẵn có trở nên khó kiểm soát hơn.

>> Xem thêm: Theo dõi đường huyết tại nhà: tầm quan trọng và cách thực hiện

2. Tại sao đái tháo đường gây biến chứng thận?

Thận của bạn được cấu tạo từ nhiều đơn vị nhỏ, hoạt động giống như máy lọc. Những bộ máy này được tạo nên bởi các mao mạch li ti. Trong môi trường đường huyết cao kéo dài ở người đái tháo đường, các mạch máu này bị tổn thương. Khi đó, thận không còn đảm bảo hoạt động như bình thường. Nếu bạn mắc đồng thời cả đái tháo đường lẫn tăng huyết áp, tốc độ diễn tiến bệnh thận mạn sẽ nhanh hơn.

Ngoài tăng huyết áp, một số yếu tố nguy cơ khác góp phần thúc đẩy bệnh thận mạn nặng hơn, bao gồm rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, béo phì, hoặc kèm thêm bệnh thận do những nguyên nhân khác.

3. Tại sao bệnh thận đái tháo đường lại nguy hiểm?

Sự nguy hiểm của bệnh thận đái tháo đường
Sự nguy hiểm của bệnh thận đái tháo đường

Biến chứng của bệnh thận đái tháo đường có thể tiến triển thầm lặng dần trong nhiều năm. Ví dụ bao gồm:

  • Ứ nước do thận giảm khả năng đào thải: Phù chân, tay, mặt, huyết áp tăng. Nếu ứ nước trong nhu mô phổi, bạn có thể bị phù phổi.
  • Tăng kali máu: Thận có một vai trò giữ cân bằng kali trong máu. Kali là nguyên tố cần được kiểm soát trong một giới hạn nhất định để đảm bảo hoạt động điện tim ổn định. Khi suy thận, bạn có thể bị tăng kali máu, gây nguy hiểm vì khả năng gây ra rối loạn nhịp tim.
  • Bệnh tim mạch: Người suy thận tăng nguy cơ bị bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim) hoặc bệnh mạch máu não (thiếu máu não, đột quỵ).
  • Thiếu máu: Thận tham gia vào một quá trình tạo hồng cầu. Người suy thận nếu không được điều trị thường bị thiếu máu.
  • Bệnh xương: Chuyển hóa xương liên quan đến calci và phospho. Khi mắc bệnh thận mạn, chu trình calci-phospho bị rối loạn, dẫn đến loãng xương hoặc gãy xương.

4. Làm thế nào để ngăn ngừa bệnh thận đái tháo đường?

Phương pháp ngăn ngừa bệnh thận đái tháo đường
Phương pháp ngăn ngừa bệnh thận đái tháo đường

Để hạn chế khả năng bệnh thận mạn do đái tháo đường, cách tốt nhất là duy trì lối sống lành mạnh và kiểm soát các bệnh hiện có.

  • Điều trị đái tháo đường tối ưu: Bạn cần tuân thủ điều trị và lịch hẹn tái khám để đạt kiểm soát đường huyết tốt nhất, từ đó giảm tổn thương thận.
  • Kiểm soát huyết áp, lipid máu: Như đã đề cập, tăng huyết áp và rối loạn lipid máu làm nặng thêm bệnh thận đái tháo đường. Do vậy, bạn cũng sẽ được bác sĩ chỉ định thuốc để điều trị đồng thời các tình trạng này.
  • Ngưng hút thuốc: hút thuốc tác động xấu một cách rõ rệt đến mạch máu trong cơ thể, kể cả mạch máu lớn như não, tim hay mạch máu nhỏ như thận, võng mạc. Bạn cần quyết tâm bỏ thuốc càng sớm càng tốt. Nếu cần, hãy tìm kiếm sự tham vấn từ bác sĩ về các phương pháp cai thuốc.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: bằng việc áp dụng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và hoạt động thể lực, bạn có thể đạt và duy trì mức cân nặng khỏe mạnh. Nếu cần giảm cân tích cực hơn, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và chỉ định thuốc nếu cần.
  • Không tự ý dùng thuốc: thận là nơi thực hiện chức năng đào thảo độc chất, do vậy dễ bị ảnh hưởng bởi thuốc. Khi đang có nguy cơ hoặc đã mắc bệnh thận đái tháo đường, chú ý tránh sử dụng thuốc một cách tùy tiện. Đặc biệt, một số thuốc giảm đau, kháng viêm thường gặp có thể gây tổn thương thận. Nếu không chắc chắn về nguy cơ này, hãy tham vấn với bác sĩ trước khi dùng.

Tóm lại, bệnh thận đái tháo đường là một biến chứng phổ biến của đái tháo đường. Bệnh lý này có thể đưa đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Tuy nhiên, bạn có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển bệnh thận đái tháo đường bằng một số biện pháp thay đổi hành vi và tuân thủ điều trị.

>> Xem thêm: Bàn chân đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

 

Tài liệu tham khảo

  1.  https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetic-nephropathy/symptoms-causes/syc-20354556
  2.  https://www.cdc.gov/diabetes/managing/diabetes-kidney-disease.html
  3. https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/khoang-5-trieu-nguoi-viet-ang-mac-can-benh-gay-nhieu-bien-chung-ve-tim-mach-than-kinh-cat-cut-chi-

VN_GM_DIA_420;EXP:30/7/2025

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.