Thuốc điều trị đái tháo đường: Tác dụng, lợi ích và tác dụng phụ
Bất kỳ loại thuốc nào cũng có hai mặt. Một phía, thuốc mang tác dụng điều trị bệnh. Mặt khác, thuốc có thể có tác dụng phụ ngoài ý muốn. Các thuốc điều trị đái tháo đường cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ phối hợp và chọn lựa thuốc phù hợp cho mỗi bệnh nhân cụ thể. Điều này giúp liệu trình phát huy tối đa tác dụng, đồng thời giảm tác dụng phụ cho bạn.
1. Tác dụng điều trị của thuốc đái tháo đường
Khi mắc đái tháo đường, lượng đường trong máu của bạn tăng cao hơn ngưỡng bình thường. Hiện tượng này ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như tim, thận, não, mắt, mạch máu. Các thuốc dùng để điều trị đều hướng đến mục đích chính là làm giảm đường huyết. Càng giảm đường huyết đến gần mức bình thường thì khả năng ngăn ngừa biến chứng càng tốt.
Tác dụng của thuốc điều trị đái tháo đường
Đái tháo đường type 2 là bệnh lý có cơ chế phức tạp, xảy ra ở nhiều cơ quan khác nhau. Do vậy, những thuốc điều trị đái tháo đường hiện tại được hy vọng tác động để điều chỉnh rối loạn tại các cơ quan này (Hình 1) [1].
Ảnh hưởng của thuốc hạ đường huyết đối với các cơ quan chức năng
Insulin là hormon làm giảm đường huyết, góp phần quan trọng trong việc điều hòa đường huyết của bạn. Trong khi đó, glucagon có vai trò đối nghịch, gây tăng đường huyết. Ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2, tụy giảm tiết insulin một phần. Ngoài ra, insulin còn làm việc không hiệu quả tại gan, cơ và mô mỡ. Vì vậy, các nhóm thuốc chính trước đây tác động vào hai quá trình này.
Một số thuốc kích thích tụy của bạn tiết insulin nhiều hơn. Các thuốc thế hệ cũ thúc đẩy tụy làm việc bất kể thời điểm. Những thuốc mới hơn chỉ “bật công tắc” cho tụy khi đường huyết của bạn đang ở mức cao. Insulin tăng giúp làm giảm đường huyết. Nhiều thuốc khác lại phục hồi hoạt động của insulin tại gan, cơ hay mô mỡ. Nhờ vậy, insulin giúp đưa phân tử đường vào các cơ quan này tốt hơn. Đây cũng là một cách hiệu quả để giảm lượng đường trong máu của bạn.
Gần đây, có thêm một số thuốc ảnh hưởng lên những cơ quan khác để bao phủ đa cơ chế, giúp kiểm soát bệnh hiệu quả hơn. Ví dụ, có thuốc tác động trên thận để kích thích thải đường qua nước tiểu. Có thuốc tương tác hoặc bắt chước cấu trúc một số chất có lợi do ruột sản xuất ra để từ đó kích thích tụy tiết insulin. Bên cạnh đó, một số nhóm thuốc ít phổ biến hơn có thể tương tác với tín hiệu từ não để làm bạn giảm cảm giác thèm ăn. Nhờ vậy, bạn giảm được lượng thực phẩm nạp vào và hạn chế tăng đường huyết.
2. Lợi ích trên các cơ quan khác
Hiện ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc điều trị đái tháo đường type 2 không những làm giảm đường huyết (tác động chính) mà còn có một số lợi ích khác nhất định. Một số thuốc mang khả năng bảo vệ tim, thận. Điều này giúp làm giảm tiến trình biến chứng ở những cơ quan nói trên. Do vậy, những thuốc này phù hợp cho bệnh nhân kèm suy tim hay suy thận. Một số thuốc khác với khả năng bảo vệ mạch máu, chống xơ vữa, phù hợp cho bệnh nhân có xơ vữa động mạch rõ hoặc mang nhiều yếu tố nguy cơ [2]. Ngay cả một loại thuốc lâu đời như metformin cũng mang nhiều đặc điểm có lợi như chống oxy hóa và kháng viêm [3].
3. Tác dụng phụ của thuốc đái tháo đường
Bởi vì mục đích chính của các thuốc nói trên là làm giảm đường huyết nên nếu gây giảm quá mức, bạn sẽ bị hạ đường huyết (Hình 2) [4]. Đây là tác dụng phụ thường được quan tâm nhất. Hạ đường huyết hay gặp với các thuốc kích thích tụy tiết insulin và ít gặp với những thuốc làm giảm đề kháng insulin.
Ngoài lý do trực tiếp là liều thuốc cao quá nhu cầu cơ thể, những nguyên nhân đi kèm có thể do bạn bỏ bữa ăn, ăn không đúng giờ hoặc vận động quá mức.
Nồng độ glucose thể hiện lượng đường huyết có trong máu
>> Xem thêm: Mức đường huyết của người trên 60 tuổi ổn định ở mức bao nhiêu?
Hạ đường huyết xảy ra khi đường huyết của bạn <70 mg/dL (3,9 mmol/L). Các triệu chứng ban đầu thường là run tay, đổ mồ hôi, chóng mặt, choáng váng. Nặng hơn có thể gây lú lẫn, hôn mê.
Cách sơ cứu nhanh nhất cho tình huống này là uống nửa lon nước ngọt hoặc ngậm 3-4 viên kẹo. Điều này giúp ổn định đường huyết, tránh làm đường huyết giảm thêm nặng hơn. Nếu tình trạng hạ đường huyết tái diễn nhiều lần, bạn cần gặp bác sĩ để được tư vấn điều chỉnh liều thuốc.
Ngoài hạ đường huyết thì mỗi nhóm thuốc có thể mang một số tác dụng phụ riêng, ví dụ:
- Tăng cân.
- Gây đau tại chỗ (với các thuốc tiêm).
- Rối loạn tiêu hóa (buồn, nôn, nôn, tiêu chảy, đầy bụng khó tiêu).
- Giữ nước.
- Viêm tụy (hiếm).
- Nhiễm trùng tiếu.
Các tác dụng không mong muốn này có thể được bác sĩ hạn chế bằng cách dùng liều phù hợp và theo dõi, chỉnh liều trong quá trình sử dụng.
Kết luận
Tóm lại, thuốc điều trị đái tháo đường type 2 có hiệu ứng giảm đường huyết và lợi ích trên một số cơ quan khác. Nhìn chung, các tác dụng phụ ít gặp, nhẹ và thoáng qua. Do đó, lợi ích của thuốc trong việc kiểm soát đái tháo đường vẫn vượt trội so với tác dụng phụ. Không nên gián đoạn hay kém tuân thủ điều trị vì lo ngại tác dụng phụ.
>> Xem thêm: Những loại trái cây phù hợp cho bệnh nhân đái tháo đường
Tài liệu tham khảo
- Naimi M, Vlavcheski F, Shamshoum H, Tsiani E. Rosemary Extract as a Potential Anti-Hyperglycemic Agent: Current Evidence and Future Perspectives. Nutrients. 2017 Sep 1;9(9):968
- American Diabetes Association Professional Practice Committee, Draznin B, Aroda VR, Bakris G, Benson G, Brown FM, Freeman R, Green J, Huang E, Isaacs D, Kahan S, Leon J, Lyons SK, Peters AL, Prahalad P, Reusch JEB, Young-Hyman D. 9. Pharmacologic Approaches to Glycemic Treatment: Standards of Medical Care in Diabetes-2022. Diabetes Care. 2022 Jan 1;45(Suppl 1):S125-S143
- Hasanpour Dehkordi A, Abbaszadeh A, Mir S, Hasanvand A. Metformin and its anti-inflammatory and anti-oxidative effects; new concepts. J Renal Inj Prev. 2019;8(1):54-61
- https://www.endocrine.org/patient-engagement/endocrine-library/hypoglycemia
VN_GM_DIA_339; exp: 31/12/2024
- CÁC BIẾN CHỨNG DÀI HẠN CỦA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG - THẬN VÀ TIM (PHẦN 1)
- Kiểm soát huyết áp tại nhà: Các phương pháp và hướng dẫn đo huyết áp
- VÌ SAO PHẢI THEO DÕI ĐƯỜNG HUYẾT THƯỜNG XUYÊN?
- ĐÁI THÁO ĐƯỜNG LÀ GÌ? HIỂU ĐÚNG VỀ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
- ĐÁI THÁO ĐƯỜNG, ĂN UỐNG VÀ VẬN ĐỘNG
- Chế độ dinh dưỡng và tập luyện cho bệnh nhân đái tháo đường
- VAI TRÒ CỦA DINH DƯỠNG TRONG ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
- Vai trò và lợi ích của việc tập luyện trong điều trị đái tháo đường
- Phương pháp phòng ngừa đái tháo đường đơn giản và dễ thực hiện
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp