Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Đái tháo đường để lại nhiều biến chứng trên các cơ quan khác nhau, chẳng hạn như tim, thận, não, mắt… Trong số đó, nhóm bệnh lý mắt liên quan đái tháo đường đều đưa đến hậu quả cuối cùng là giảm thị lực và nặng hơn có thể gây mù. Đây là một phổ bệnh lý, bao gồm đục thuỷ tinh thể, tăng nhãn áp, bệnh võng mạc và phù hoàng điểm.
Hình 1: Hình ảnh bình thường mà bạn nhìn thấy
Thuỷ tinh thể có cấu trúc giống như một thấu kính nằm bên trong mắt của bạn. Thông thường, bộ phận này trong suốt, cho phép ánh sáng đi xuyên qua và có thể thay đổi, điều tiết để giúp bạn nhìn rõ mọi vật dù ở các khoảng cách khác nhau. Khi chiếc thấu kính này bị vẩn đục, bạn có tình trạng đục thuỷ tinh thể, hay còn được biết đến với các tên gọi khác như cườm khô, cườm đá. Đục thuỷ tinh thể là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực hàng đầu ở người trưởng thành trong độ tuổi lao động. Nếu bạn bị đái tháo đường, khả năng mắc biến chứng này cao hơn so với người bình thường.
Hình 2: Hình ảnh bạn nhìn thấy khi bị đục thuỷ tinh thể
Nhãn cầu của bạn duy trì được hình dạng khối cầu là nhờ sự tồn tại của một chất lỏng do mắt tiết ra, gọi là thuỷ dịch. Khi áp suất chất lỏng này vượt quá ngưỡng bình thường, bạn sẽ bị tăng nhãn áp, hay còn gọi là thiên đầu thống. Mức áp lực cao bên trong mắt gây tổn thương các sợi thần kinh thị giác và làm thị lực giảm dần, có thể dẫn đến mù nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời.
Hình 3: Hình ảnh bạn nhìn thấy khi bị tăng nhãn áp
Võng mạc là màn chắn ở phía sau của nhãn cầu, có tác dụng như một nơi tiếp nhận hình ảnh mà bạn nhìn thấy ngoài đời thực. Khi mắc phải đái tháo đường, theo thời gian các mạch máu nhỏ ở võng mạc thay đổi, xuất hiện một số tổn thương ví dụ như xuất huyết, tăng sinh mạch máu hay tạo dải xơ. Chính các đặc điểm này làm cho võng mạc không còn tiếp nhận được ánh sáng đi vào như bình thường, dẫn đến giảm thị lực và nặng hơn là mù.
Hình 4: Hình ảnh bạn nhìn thấy khi bị bệnh võng mạc đái tháo đường
Phù hoàng điểm xảy ra do nhiều nguyên nhân, trong đó có đái tháo đường. Hoàng điểm là vùng nằm trên võng mạc và cho hình ảnh rõ ràng, sắc nét nhất. Do vậy, nếu xảy ra tổn thương ở vị trí này, thị lực của bạn sẽ giảm một cách nhanh chóng và tương đối nặng nề.
Bệnh lý mắt do đái tháo đường xảy ra qua nhiều cơ chế, trên tất cả đều là hậu quả của việc đường huyết tăng cao kéo dài. Các biến chứng này nhìn chung có thể phòng ngừa, giảm thiểu phần nào nếu bạn được kiểm soát đường huyết đúng mức và tầm soát biến chứng thường xuyên nhằm đưa ra can thiệp phù hợp ngay khi bệnh còn ở giai đoạn sớm.
Tài liệu tham khảo
- Pascolini D, SP Mariotti (2012), "Global estimates of visual impairment: 2010". Br J Ophthalmol, 96 (5), pp.614-618
- https://nei.nih.gov/learn-about-eye-health/eye-conditions-and-diseases/diabetic-retinopathy
- https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/preventing-problems/diabetic-eye-disease
VNM/NONCMCGM/1019/0095
Thành phần dinh dưỡng bữa ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
Bạn có thể thoát khỏi tiền đái tháo đường?
Tần suất kiểm tra đường huyết liên quan tiền đái tháo đường
Làm thế nào để đẩy lùi tiền đái tháo đường?
[Video] Tiền đái tháo đường - gánh nặng tiềm ẩn trên tim mạch - TS. BS. Nguyễn Quốc Thái
[Video] Tiền đái tháo đường - Cập nhật hướng dẫn điều trị của bộ Y Tế Việt Nam
[Video] Chế độ ăn cho người đái tháo đường - BS CKII Ngô Thế Phi
Tiểu ra đường có phải là đái tháo đường?
Thực đơn cho phụ nữ mang thai mắc đái tháo đường thai kỳ
Mẹ bị đái tháo đường thai kì có sinh ra con bị đái táo đường không?
Chăm sóc da cho người đái tháo đường
Đặc tính của các thuốc điều trị đái tháo đường
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp