THUỐC GIA TRUYỀN KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC TRONG ĐIỀU TRỊ ĐÁI THÁO ĐƯỜNG: NGUY CƠ TIỀM ẨN
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, nhiều loại thuốc điều trị đái tháo đường ngày càng được nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường. Các sản phẩm này đều đã chứng minh tính hiệu quả và an toàn nếu sử dụng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, bạn vẫn có thể bắt gặp một số loại thuốc đông dược trôi nổi, không rõ thành phần, nguồn gốc, không có nhãn mác cụ thể hoặc chỉ ghi mập mờ là thuốc gia truyền. Chúng thường được bào chế dưới dạng viên hoàn, dùng đơn lẻ hay theo từng cặp và đều được người bán quảng cáo một cách thần kỳ là mang lại khả năng kiểm soát đường huyết rất tốt, thậm chí trị dứt khỏi đái tháo đường!!! Vậy bản chất của những thuốc này là gì, hiệu quả thực tế ra sao và nguy cơ có hại thế nào nếu sử dụng chúng?
>> Xem thêm: Theo dõi đường huyết tại nhà: tầm quan trọng và cách thực hiện
Các loại thuốc gia truyền nói trên thường chứa phenformin.
- Phenformin là một chất cùng nhóm với metformin và mạnh hơn metformin nhiều lần. Tuy nhiên, khác với metformin hiện vẫn là một thuốc đầu tay trong điều trị đái tháo đường vì tính hiệu quả và an toàn đã được chứng minh, phenformin lại có nguy cơ cao gây toan máu (nồng độ axit trong máu tăng hơn bình thường). Khi mắc phải biến chứng này, bạn có thể rơi vào ngưng tim, ngưng thở, hôn mê và nặng nhất là tử vong. Do đó, sau hơn 20 năm lưu hành, đến khoảng những năm 1970, phenformin đã bị rút khỏi thị trường. Tuy nhiên, tại Việt Nam và một số nước châu Á, thuốc này vẫn được lén lút bào chế và sử dụng dưới dạng đông dược và mang một vài tên như tiểu đường hoàn hay viên tiểu đường...
- Thành phần thứ hai trong một cặp thuốc đi chung với nhau thường là glibenclamide, một loại thuốc điều trị đái tháo đường có khả năng làm giảm đường huyết mạnh. Bản thân thuốc này không mang tính nguy hiểm như phenformin nhưng với hiệu lực mạnh, đồng thời bào chế dưới dạng viên hoàn không được kiểm soát hàm lượng chặt chẽ, bạn có nguy cơ bị hạ đường huyết nghiêm trọng và dẫn tới hôn mê.
Bởi sự phối hợp hai loại thuốc với hiệu lực mạnh như trên, khả năng giảm lượng đường trong máu đôi khi rất tốt và nhanh chóng hơn những điều trị chính thống mà bác sĩ kê toa. Đó chính là điều mà bạn được người bán quảng cáo, làm cho bạn dễ tin tưởng và sử dụng một cách sai lầm các thuốc đông dược này. Thậm chí, bạn còn có thể nghe nói hay đọc thấy rằng các thuốc nói trên giúp trị dứt điểm đái tháo đường. Thông tin này hoàn toàn không chính xác, bởi vì cho đến thời điểm hiện tại, chưa có loại thuốc nào được chứng minh giúp người bệnh đái tháo đường khỏi hoàn toàn mà mới chỉ nằm ở mức giúp kiểm soát lượng đường trong máu để giảm thiếu biến chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống mà thôi.
Tóm lại, việc sử dụng thuốc đông dược để điều trị đái tháo đường chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn hơn lợi ích mà chúng mang lại, trong đó nặng nề nhất có thể dẫn đến tử vong. Thay vì sử dụng chúng, bạn nên tuân thủ chế độ điều trị và tái khám với bác sĩ nhằm kiểm soát đường huyết một cách có kế hoạch, hiệu quả và an toàn.
>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng và tập luyện cho bệnh nhân đái tháo đường
Tài liệu tham khảo
- Kwong SC, Brubacher. J (1998), “Phenformin and lactic acidosis: a case report and review”, J Emerg Med, 16(6): pp.881-886
- https://thanhnien.vn/suc-khoe/suyt-chet-do-dung-thuoc-tri-tieu-duong-truyen-mieng-1068992.html
VNM/NONCMCGM/1019/0095a
- Thay đổi lối sống lành mạnh - Nền tảng trong điều trị đái tháo đường!
- Người mắc bệnh đái tháo đường uống mật ong được không?
- Chăm sóng người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn cuối đời
- Chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân đái tháo đường
- Bệnh đái tháo đường có lây không và làm thế nào để phòng ngừa?
- Thức khuya đái tháo đường: Hệ lụy tiềm ẩn nguy hiểm chớ nên xem thường
- Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
- Mức đường huyết của người trên 60 tuổi ổn định ở mức bao nhiêu?
- Mối tương quan giữa béo phì và đái tháo đường
- Người mắc đái tháo đường uống nước dừa được không? Cần lưu ý gì?
- Người bệnh đái tháo đường bị ngứa da: Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
- Bàn chân đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp