Tỷ lệ bệnh nhân và ý nghĩa khi tuân thủ điều trị đái tháo đường tuýp 2
Việc kiểm soát đường huyết, dù bằng phương pháp dinh dưỡng, tập luyện hay dùng thuốc, là điều quan trọng trong điều trị bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) nói chung và ĐTĐ tuýp 2 (ĐTĐ2) nói riêng. Đường huyết đạt mục tiêu và ổn định lâu dài sẽ giúp bạn giảm được biến chứng, nguy cơ nhập viện hay tử vong do ĐTĐ2. Muốn vậy, việc tuân thủ điều trị đái tháo đường chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan cản trở việc bạn dùng thuốc đúng như lịch trình, dẫn đến kết quả điều trị không được như mong đợi.
1. Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ điều trị đái tháo đường lâu dài
Tỷ lệ bệnh nhân tuân thủ đúng điều trị Đái tháo đường type 2 nhìn chung còn khá khiêm tốn và thay đổi cao thấp tùy thời điểm hoặc tùy đối tượng được khảo sát. Các nghiên cứu cho thấy khoảng 10-80% bệnh nhân áp dụng đúng chương trình tập luyện thể lực dài hạn mà bác sĩ khuyến cáo [1]. Tương tự, nếu được kê đơn thuốc hạ đường huyết, tỷ lệ sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng thời gian có thể thay đổi từ 36-93% [2]. Khoảng gần 2/3 số người bệnh tự ý bỏ điều trị sau hai năm vì nhiều lý do khác nhau.
Hậu quả là, tỉ lệ đạt đường huyết mục tiêu mà bác sĩ đề ra (thường dựa trên một chỉ số gọi là HbA1C, phản ánh đường huyết trung bình trong vòng ba tháng gần nhất của bạn) chỉ khoảng 47%, dẫn đến nguy cơ biến chứng ĐTĐ, nguy cơ bệnh nặng phải nhập viện, thời gian nằm viện và nguy cơ tử vong tăng cao [3].
Không chỉ vậy, ĐTĐ2 ít khi đứng riêng lẻ mà thường người bệnh sẽ kèm theo các bệnh đồng mắc, thường gặp như tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu. Khi bạn kém tuân thủ điều trị đái tháo đường nói chung, không chỉ HbA1C mà huyết áp hay một số chỉ số về lipid máu cũng tăng theo và càng làm nặng thêm tình trạng bệnh.
Bên cạnh gánh nặng về sức khỏe, gánh nặng về chi phí y tế cũng là điều mà bạn có thể phải quan tâm. Bạn có thể nghĩ rằng số tiền bỏ ra hàng tháng dành cho việc điều trị thường xuyên khá tốn kém. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu bạn bỏ điều trị để xảy ra biến chứng nặng, phải nhập viện điều trị và mất ngày công làm việc, chi phí mất đi thậm chí còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Các dữ liệu kể trên cho thấy rằng tuân thủ điều trị là một vấn đề cần được quan tâm đúng mức nếu bạn thực sự muốn cải thiện mức độ kiểm soát đường huyết của mình nhằm ngăn ngừa biến chứng do ĐTĐ2. Một nghiên cứu cho thấy rằng cứ tăng thêm 10% tuân thủ điều trị thì HbA1C trung bình giảm được 0.1% [4].
>> Xem thêm: Chế độ ăn DASH cho bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2
2. Ý nghĩa của việc tuân thủ điều trị lâu dài trong điều trị đái tháo đường
Tuân thủ điều trị, hay tuân trị, là một thuật ngữ khá rộng, bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau. Ở tầng nghĩa đơn giản nhất, tuân thủ điều trị được hiểu là các hành vi của bạn như thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực và dùng thuốc hoàn toàn đúng như lời khuyên và toa thuốc của bác sĩ.
Ở mức độ cao hơn, sự tuân thủ điều trị không chỉ xảy ra theo một chiều như bác sĩ “nói sao nghe vậy” mà còn có sự chủ động tương tác qua lại của chính bạn với bác sĩ để cả hai cùng thảo luận, bàn bạc và đưa ra phương án điều trị hợp lý nhất (concordance).
Dĩ nhiên, sau khi thảo luận, bạn phải gắn kết và thực hiện theo đúng điều mà mình đã cam kết thì mới đạt được tầng nghĩa tuân trị cao nhất (adherence). Việc sử dụng thuật ngữ tuân trị với hàm ý này ngày càng nhiều hơn bởi nó thể hiện được vai trò, vị trí của bạn trong mối quan hệ hai chiều giữa bệnh nhân-bác sĩ.
Mức độ gắn kết này không chỉ thể hiện mỗi khi bạn đến khám hay tư vấn với nhân viên y tế mà còn được ghi nhận thông qua tổng thời gian điều trị của bạn (persistence). Nếu bạn hợp tác tốt với bác sĩ trong thời gian đầu nhưng sau một vài năm lại tự ý ngưng điều trị thì tình huống đó không thể được xem là tuân thủ điều trị.
Nhìn chung, sử dụng thuốc đúng như hướng dẫn về liều lượng, số lần dùng, thời điểm dùng khoảng 80% trở lên được xem là tuân trị tốt. Dĩ nhiên, mục tiêu mà bạn hướng tới vẫn là càng cao càng tốt chứ không chỉ dừng ở con số này. Vai trò và tầm quan trọng của bản thân bạn trong sự tuân trị ngày càng được chú trọng trong bối cảnh nền y tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng dần chuyển hướng sang “lấy bệnh nhân làm trung tâm”.
Điều đó đồng nghĩa chính thái độ và hành vi của bạn góp phần không nhỏ vào hiệu quả của điều trị chứ không chỉ đơn thuần phụ thuộc thụ động vào toa thuốc hay hướng dẫn của bác sĩ như trước đây.
Hình 1: Tuân thủ điều trị ở mức độ cao không chỉ là tuân theo lời bác sĩ mà còn có sự thảo luận tích cực từ phía người bệnh [5]
Tóm lại, tuân thủ điều trị đái tháo đường đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong xu hướng điều trị hiện nay. Điều nay thể hiện rõ với các bệnh lý mạn tính cần điều trị kéo dài, thậm chí quản lý suốt đời, như ĐTĐ2. Có nhiều hình thức tuân thủ điều trị khác nhau, trong đó mức độ cao nhất đòi hỏi sự phối hợp, tương tác hai chiều giữa nhân viên y tế với người bệnh để đạt được đồng thuận và gắn kết hợp lý nhất về phương án điều trị.
>> Xem thêm: 14 dấu hiệu bệnh đái tháo đường nên phát hiện sớm
Chú thích
Hình ảnh sử dụng chỉ là bệnh nhân giả định, không phải bệnh nhân thật.
VN-NOND-00069_exp: 15/11/2025
Tài liệu tham khảo:
- Praet S, van Loon L. Exercise therapy in type 2 diabetes. Acta Diabetol 2009;46(4):263–78
- Cramer J. A Systematic review of adherence with medications for diabetes. Diabetes Care 2004;27(5):1218–24
- Karter A, Parker M, Moffet H, Ahmed A, Schmittdiel J, Selby J. New prescription medication gaps: a comprehensive measure of adherence to new prescriptions. Health Serv Res 2009;44(5 Pt 1):1640–61
- Rozenfeld Y, Hunt J, Plauschinat C, Wong K. Oral antidiabetic medication adherence and glycemic control in managed care. Am J Manag Care 2008;14(2):71–5
- https://naturalpractitionermag.com/developing-patient-adherence/
- Thay đổi lối sống lành mạnh - Nền tảng trong điều trị đái tháo đường!
- Người mắc bệnh đái tháo đường uống mật ong được không?
- Chăm sóng người bệnh đái tháo đường trong giai đoạn cuối đời
- Chăm sóc răng miệng cho bệnh nhân đái tháo đường
- Bệnh đái tháo đường có lây không và làm thế nào để phòng ngừa?
- Thức khuya đái tháo đường: Hệ lụy tiềm ẩn nguy hiểm chớ nên xem thường
- Bệnh võng mạc đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và phòng ngừa
- Mức đường huyết của người trên 60 tuổi ổn định ở mức bao nhiêu?
- Mối tương quan giữa béo phì và đái tháo đường
- Người mắc đái tháo đường uống nước dừa được không? Cần lưu ý gì?
- Người bệnh đái tháo đường bị ngứa da: Biến chứng nguy hiểm cần lưu ý
- Bàn chân đái tháo đường: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp