LÀM THẾ NÀO ĐỂ KIẾM SOÁT TĂNG HUYẾT ÁP TRONG GIAI ĐOẠN DỊCH BỆNH (COVID-19)
Tăng huyết áp trong đại dịch Covid-19
Tăng huyết áp trong đại dịch Covid-19 được xem như một yếu tố nguy cơ độc lập làm gia tăng mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân mắc Covid-19. Mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm COVID-19 nhưng người lớn tuổi (> 60 tuổi) và đặc biệt ở người có bệnh lý nền (như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ và nhồi máu cơ tim...) thường gia tăng nguy cơ bị các triệu chứng nặng hoặc gia tăng nguy cơ tử vong khi nhiễm Covid-19. Bệnh nhân mắc Covid-19 có tình trạng tăng huyết áp được kiểm soát kém sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng gấp 2.5 lần so với người không có tăng huyết áp. Vì vậy, việc kiểm soát tình trạng tăng huyết áp trong đại dịch Covid-19 sẽ giúp cải thiện tiên lượng.
Làm gì để kiểm soát tăng huyết áp trong đại dịch Covid-19
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO) tất cả những người trên 18 tuổi nên đo huyết áp kiểm tại nhà hoặc tại trung tâm y tế/hiệu thuốc gần nhất. Trong trường hợp huyết áp tâm thu trên 140 mmHg (HATT> 140) hoặc huyết áp tâm trương trên 90 mmHg (HATTr> 90) thì họ cần tham vấn ý kiến bác sĩ để bắt đầu điều trị tăng huyết áp.
Bất kỳ bệnh nhân nào đã được chẩn đoán tăng huyết áp đều phải đo HA thường xuyên nhằm giúp theo dõi và kiểm soát tăng huyết áp đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tăng huyết áp được gọi là kiểm soát nếu HA tâm thu dưới 140 mmHg (HATT <140) và HA tâm trương dưới 90 mmHg (HATTr <90).
>> Xem thêm: Tần số tim bình thường là bao nhiêu? Nhận biết tần số tim bất thường
Các biện pháp giúp kiểm soát huyết áp
Bệnh nhân cần tuân thủ và thực hiện các biện pháp dưới đây để giúp kiểm soát tăng huyết áp:
- DUY TRÌ chế độ ăn ít muối.
- TẬP THỂ DỤC thường xuyên - đi bộ nhanh hoặc đi bộ ít nhất 30 phút mỗi ngày. Trong đại dịch Covid-19 nếu không thể đi bộ ngoài trời thì điều này có thể được thực hiện tại nhà.
- NGƯNG hút thuốc lá và TRÁNH sử dụng rượu/bia.
- TUÂN THỦ việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Các thuốc điều trị tăng huyết áp và Covid-19
Một số thông tin thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng liên quan đến việc sử dụng các thuốc điều trị tăng huyết áp như thuốc ức chế men chuyển (ACEI) và ức chế thụ thể angiotensin (ARB) sẽ dẫn đến các kết cục xấu trong điều trị Covid-19. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây đã bác bỏ giả thuyết này. Các dữ liệu lâm sàng hiện tại không ủng hộ việc bác sĩ phải ngưng sử dụng ACEI hoặc ARB ở bệnh nhân tăng huyết áp đang kiểm soát tốt và mắc Covid-19. Tổ chức y tế thế giới (WHO) và tổ chức tăng huyết áp thế giới (ISH) cũng khẳng định rằng thuốc điều trị tăng huyết áp không làm tăng nguy cơ mắc bệnh Covid-19 hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng. Vì vậy, để kiểm soát tăng huyết áp trong đại dịch Covid-19, tất cả bệnh nhân tăng huyết áp nên yên tâm tiếp tục sử dụng các thuốc điều trị tăng huyết áp hiện tại mà họ cảm thấy hài lòng và an toàn khi sử dụng.
Việc tái khám định kỳ điều trị tăng huyết áp trong đại dịch Covid-19
Bệnh nhân tăng huyết áp được khuyến khích giữ liên lạc và tiếp tục duy trì lịch tái khám định kỳ với chuyên gia y tế. Bệnh nhân có thể gọi điện liên lạc với bác sĩ điều trị nếu có thể và bác sĩ hoặc cơ sở y tế nơi bệnh nhân thăm khám sẽ cung cấp các biện pháp bảo đảm việc tái khám nhưng vẫn an toàn trong việc phòng tránh lây lan Covid-19.
Nếu xảy ra tình trạng tăng huyết áp cấp tính với HA tâm thu từ 180 mmHg trở lên (HATT ≥ 180) hoặc HA tâm trương từ 120 mmHg trở lên (HATTr ≥ 120), bệnh nhân cần liên lạc ngay với bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị.
Tổng kết
Covid-19 có thể đóng vai trò như một yếu tố làm gia tăng tình trạng kiểm soát huyết áp kém hiệu quả trong ngắn hạn, nguyên nhân có thể là do những ảnh hưởng của đại dịch lên sự thay đổi hành vi, sự gia tăng căng thẳng kéo dài trong cuộc sống, thay đổi những thói quen sống hằng ngày và kể cả những trở ngại trong việc tiếp cận chăm sóc y tế. Tuy nhiên, các nghiên cứu lớn thực hiện ở mức độ quốc gia, đặc biệt là ở những nước việc phong toả xảy ra nghiêm ngặt cho thấy về mặt trung hạn và dài hạn, đại dịch dường như không có tác động đáng kể đến việc kiểm soát HA và điều quan trọng là phải tiếp tục điều trị tăng huyết áp như bình thường bất kể đại dịch.
Bệnh nhân cần biết rằng việc tiếp tục duy trì lối sống lành mạnh vẫn có hiệu quả giúp kiểm soát và ngăn ngừa tăng huyết áp ngay cả khi bệnh nhân đang dùng các thuốc điều trị huyết áp. Các biện pháp thay đổi lối sống có thể thực hiện để kiểm soát tăng huyết áp trong đại dịch Covid-19 không có sự khác biệt với trước khi có đại dịch, bao gồm:
- Giảm muối trong chế độ ăn
- Tăng cường vận động thể dục thể thao tại nhà
- Duy trì cân nặng lý tưởng
- Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia
- Kiểm soát stress và căng thẳng trong cuộc sống
- Duy trì theo dõi huyết áp tại nhà
- Tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của bác sĩ.
Cuối cùng, bệnh nhân nên ghi nhớ rằng các thuốc điều trị tăng huyết áp không làm tăng nguy cơ mắc bệnh Covid-19 hoặc tăng nguy cơ mắc bệnh Covid-19 nặng.
>> Xem thêm: Nhận biết tăng huyết áp - Tưởng dễ mà khó
Nguồn tham khảo:
1. QUESTIONS & ANSWERS ON COVID-19 AND HYPERTENSION - WHO
https://www.afro.who.int/sites/default/files/Covid-19/Techinical%20documents/QUESTIONS%20%26%20ANSWERS%20ON%20COVID-19%20AND%20HYPERTENSION.pdf
2. A statement from the International Society of Hypertension on COVID-19
https://ish-world.com/a-statement-from-the-international-society-of-hypertension-on-covid-19/
3. COVID-19 and hypertension: risks and management. A scientific statement on behalf of the British and Irish Hypertension Society
https://www.nature.com/articles/s41371-020-00451-x
4. How to deal with hypertension in the COVID-19 era—the impact “ON” and “OF” hypertension
https://www.nature.com/articles/s41440-021-00822-y
5. High blood pressure (hypertension)
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-pressure/symptoms-causes/syc-20373410
VN_GM_CV_213; EXP: 31/05/2024
- Người huyết áp cao nên ăn gì và kiêng gì? Lối sống hiện đại ảnh hưởng tới tăng huyết áp như thế nào?
- Hiểu rõ chỉ số huyết áp và nguyên nhân tăng huyết áp ở giới trẻ
- Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản
- Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
- 7 cách quản lý huyết áp tại nhà có thể bạn chưa biết
- 8 loại thuốc hạ huyết áp được chỉ định trong điều trị phổ biến
- Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp đúng cách và hiệu quả
- 6 Dấu hiệu tăng huyết áp cần phải thăm khám bác sĩ sớm nhất
- Biến chứng tăng huyết áp: Căn bệnh nguy hiểm chớ nên bỏ qua
- Tăng huyết áp là gì? Phân loại, nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị
- Tăng huyết áp uống gì? 10 món nước giúp giảm huyết áp nhanh
- Top 11 cách trị tăng huyết áp tại nhà cực kỳ hiệu quả
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp