TẦN SỐ TIM BÌNH THƯỜNG LÀ BAO NHIÊU? NHẬN BIẾT TẦN SỐ TIM BẤT THƯỜNG
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
1. Tần số tim bình thường là gì?
Ở trạng thái nghỉ ngơi, bình tĩnh, tư thế nằm hoặc ngồi và không đang mắc bệnh cấp tính, tần số tim thông thường của bạn rơi vào khoảng 60-100 lần/phút. Tần số tim <60 lần/phút được định nghĩa là nhịp chậm (bradycardia), trong khi >100 lần/phút được gọi là nhịp nhanh (tachycardia). Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho rằng tần số tim lúc nghỉ tối ưu của người bình thường chỉ nên rơi vào khoảng 50-70 lần/phút là phù hợp nhất [1].
Hình 1: Khoảng tần số tim bình thường
>> Xem thêm: Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
2. Khi nào thì tần số tim bất thường?
Nhịp chậm
Tần số tim thấp <60 lần/phút không phải luôn luôn là vấn đề bệnh lý. Khi bạn luyện tập thể lực với cường độ trung bình-cao kéo dài, đều đặn, tần số tim có xu hướng giảm dần. Đây là cơ chế thích nghi của cơ thể bởi vì lúc này, trái tim quen với trạng thái bơm lượng máu nhiều trong mỗi nhịp đập. Nói cách khác, mỗi nhịp bơm máu của tim trở nên hiệu quả hơn so với bình thường.
Do đó, tim ko cần phải hoạt động nhanh mà vẫn cung cấp đủ oxy, dưỡng chất cho cơ thể. Những vận động viên chuyên nghiệp có thể ghi nhận tần số tim lúc nghỉ khá thấp, xoay quanh 40 lần/phút. Thậm chí, cua rơ xe đạp nổi tiếng Lance Armstrong đã từng đạt kỷ lục đo được tần số tim lúc nghỉ chỉ 32 lần/phút [2].
Ngoài hoạt động thể lực, một số tình trạng khác liên quan đến tần số tim thấp là lúc ngủ, đặc biệt trong giai đoạn tên là Non-REM (Non-rapid eye movement), hoặc khi bạn đang dùng thuốc vì lý do khác không liên quan tim mạch (ví dụ các thuốc ức chế beta trong điều trị tăng nhãn áp, đau đầu migraine, phòng ngừa vỡ giãn tĩnh mạch trên bệnh nhân xơ gan…).
Ngoài những điều kiện sinh lý kể trên, tần số tim thấp có thể là dấu hiệu gợi ý bệnh lý tim mạch hoặc bệnh lý cơ quan khác nhưng gián tiếp ảnh hưởng lên hệ tim mạch, chẳng hạn như sau nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, tiền sử phẫu thuật tim (gây hội chứng nút xoang bệnh – sick sinus syndrome), một số bệnh nhiễm trùng nhất định (thương hàn, bệnh Lyme), rối loạn điện giải (tăng kali máu) hay suy giáp.
Tần số tim chậm thường không gây triệu chứng đáng kể, do đó ít được để ý hơn so với tim nhanh. Tần số tim đa phần được nhân viên y tế phát hiện thông qua bắt mạch hoặc đo điện tâm đồ trong quá trình khám sức khỏe tổng quát hoặc đến khám, nhập viện vì một bệnh lý khác.
Một số biểu hiện nếu có khi tần số tim rất thấp là chóng mặt, choáng váng, lú lẫn, cảm giác muốn ngất xỉu hoặc ngất xỉu thực sự (do tim đập chậm, bơm không đủ lượng máu cần thiết lên não), mệt mỏi, không còn khả năng hoạt động thể lực (do không đủ máu đến cơ). Ngoại trừ gây ngất do thiếu máu não, bản thân tần số tim thấp dường như ít gây nguy hiểm mà ảnh hưởng bất lợi thường đến từ bệnh nền, nguyên nhân gây nên tình trạng này.
Hình 2: Vận động viên xe đạp Lance Armstrong
Nhịp nhanh
Nhịp nhanh >100 lần/phút là dạng bất thường tần số tim thường gặp hơn nhịp chậm. Người bình thường khỏe mạnh cũng có thể gặp tần số tim nhanh trong một vài tình huống như vận động, lo âu, căng thẳng, sử dụng chất kích thích (cocaine, caffeine) hay mang thai. Tập luyện với cường độ nặng có khả năng làm tần số tim tăng lên, đạt mức 70-80% tần số tim tối đa.
Tần số tim tối đa là số lần tim đập lớn nhất ghi nhận được dưới điều kiện stress cao nhất. Trị số này phụ thuộc theo tuổi, khoảng bằng 220 – tuổi. Ví dụ, một người 50 tuổi sẽ có tần số tim tối đa 170 lần/phút và khi hoạt động gắng sức với cường độ cao, tần số tim có thể đạt 70-80% mức này (tương đương 119-136 lần/phút) [1]. Những bệnh lý gây tăng tần số tim và cần được chẩn đoán, điều trị là:
- Hầu hết nhiễm trùng hoặc tình trạng viêm gây sốt (mỗi khi thân nhiệt tăng 1 độ C thì tần số tim tăng khoảng 10 lần/phút, kể cả người lớn hay trẻ em) [3];
- Rối loạn nhịp do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như các dạng rung nhĩ, loạn nhịp thất, nhịp nhanh kịch phát trên thất (đôi khi có thể kèm nhịp tim không đều);
- Suy tim (khả năng co bóp của tim giảm, làm cho lượng máu tống ra mỗi lần tim đập ít hơn bình thường, do đó cơ thể phải cố gắng bù trừ bằng cách tăng tần số tim để nỗ lực duy trì cung cấp máu cho các cơ quan);
- Cường giáp do tuyến giáp tăng hoạt động sản xuất hormone quá mức, lượng hormone này kích thích tim đập nhanh hơn;
- Rối loạn điện giải (hạ kali máu);
- Thiếu máu;
- Cơn hen cấp hay các vấn đề đường hô hấp gây khó thở cấp.
Hình 3: Hoạt động ở cường độ cao khiến cho nhịp tim nhanh hơn
>> Xem thêm: Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản
Nhịp nhanh thường dễ gây chú ý bởi triệu chứng nổi trội là hồi hộp, đánh trống ngực. Ngoài ra, khi nhịp nhanh gây thiếu máu cơ tim, bạn có thể cảm thấy nặng ngực, đau ngực hoặc khi nhịp nhanh làm máu không được bơm kịp ra ngoại biên, ứ lại mạch máu phổi, biểu hiện điển hình là khó thở.
Khác với nhịp chậm ít nguy hiểm hơn, bản thân tần số tim nhanh là một yếu tố nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng khác trên hệ tim mạch, ví dụ tăng huyết áp, suy tim, tạo huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu, bên cạnh nguy cơ của chính bệnh nền nguyên nhân gây nhịp nhanh mang lại. Vì vậy, đa phần trường hợp tần số tim nhanh cần được xử trí với thái độ tích cực hơn.
Khi xuất hiện những triệu chứng gợi ý tần số tim nhanh hoặc chậm vượt quá ngưỡng bình thường kể trên hay tình cờ bắt được mạch bất thường, bạn nên gặp bác sĩ để được khám, đo điện tâm đồ nhằm xác định tần số tim, loại rối loạn nhịp gặp phải và tiến hành một số xét nghiệm, nghiệm pháp chuyên sâu khác nếu cần nhằm đưa ra chẩn đoán xác định nguyên nhân, từ đó có hướng xử trí phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- https://www.health.harvard.edu/heart-health/hows-your-heart-rate-and-why-it-matters
- https://extension.usu.edu/healthwellness/heartrate#:~:text=Highly%20conditioned%20endurance%20athletes%20typically,of%2032%20beats%20per%20minute!
- P Davies, I Machonochie (2009). The relationship between body temperature, heart rate and respiratory rate in children. Emerg Med J, 26(9):641-643.
VN-NONC-00066;exp:22/11/2025
- Các ứng dụng di động theo dõi sức khoẻ cho người tăng huyết áp
- Công thức nấu ăn cho người tăng huyết áp: Thực đơn 7 ngày
- 4 tác động của tăng huyết áp đến sức khỏe tinh thần cần lưu ý
- Tăng huyết áp và giấc ngủ: Mức độ ảnh hưởng, biến chứng và phòng ngừa
- Tình dục và tăng huyết áp có mối liên quan và mức độ ảnh hưởng ra sao?
- Giải pháp quản lý tăng huyết áp tại nơi làm việc đơn giản và hiệu quả
- Chi tiết về huyết áp kẹt: Mức độ nguy hiểm và hướng dẫn phòng ngừa
- Người huyết áp cao nên ăn gì và kiêng gì? Lối sống hiện đại ảnh hưởng tới tăng huyết áp như thế nào?
- Hiểu rõ chỉ số huyết áp và nguyên nhân tăng huyết áp ở giới trẻ
- Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản
- Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
- 7 cách quản lý huyết áp tại nhà có thể bạn chưa biết
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp