4 phương pháp sống khỏe cùng tăng huyết áp tại nhà

Phương pháp sống khỏe với tăng huyết áp có thể thực hiện tại nhà

Phương pháp sống khỏe với tăng huyết áp có thể thực hiện tại nhà

Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam

Tăng huyết áp là một bệnh lý mạn tính phổ biến. Thông thường, khi đã được bác sĩ chẩn đoán tăng huyết áp, bạn sẽ phải dùng thuốc kiểm soát huyết áp lâu dài. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa bạn không thể sống khỏe cùng tăng huyết áp. Nếu được điều trị, theo dõi tích cực, bạn vẫn hạn chế được biến chứng và duy trì chất lượng cuộc sống tương đối tốt. Các khía cạnh liên quan mà bạn nên quan tâm trong quá trình điều trị là thể chất, tâm lý và xã hội [1].

1. Sống khỏe với tăng huyết áp bằng cách rèn luyện thể chất

Tăng huyết áp không phải là điều kiện cấm bạn hoàn toàn không được hoạt động thể lực mà ngược lại, vận động trong giới hạn cho phép thậm chí còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhìn chung các bệnh nhân bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường đều được bác sĩ khuyến cáo vận động ở cường độ nhất định, đều đặn. Một trong những lợi ích thấy rõ của hoạt động thể lực là giúp giảm cân và duy trì cân nặng hợp lý.

Giảm cân không những có ảnh hưởng tích cực về mặt ngoại hình, tự tin mà còn giảm được nguy cơ hoặc biến chứng nhiều bệnh. Tuy nhiên, cần chú ý về mức độ tăng tần số tim và huyết áp mỗi khi luyện tập để điều chỉnh cường độ tập lại cho phù hợp. Hãy lắng nghe cơ thể bạn bởi vì nếu cảm thấy nặng ngực, đau ngực, khó thở hay bất kỳ triệu chứng khó chịu nào khác trong quá trình luyện tập nghĩa là bạn đang hoạt động quá khả năng cho phép.

Hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo nhìn chung bạn không phải giới hạn hoạt động thể lực, miễn là cơ thể cảm thấy phù hợp, cụ thể cho phép bạn tham gia thể thao, du lịch và những công việc hàng ngày một cách thoải mái nhất (Hình 1) [2].

Tăng huyết áp không phải là bệnh lý ngăn trở bạn hoạt động thể lực

Hình 1: Tăng huyết áp không phải là bệnh lý ngăn trở bạn hoạt động thể lực

>> Xem thêm: Chế độ ăn DASH trong điều trị tăng huyết áp

2. Yếu tố tâm lý trong phương pháp sống khỏe với tăng huyết áp

Các bệnh mạn tính ít nhiều đều tác động đến tâm lý của bạn theo thời gian bởi vì cảm giác về gánh nặng bệnh tật, mệt mỏi, phải dùng thuốc thường xuyên, theo dõi sức khỏe định kỳ, ảnh hưởng công việc, học tập, kinh tế, thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày trước đây,… Các nhà nghiên cứu tìm ra mối liên hệ nhân quả giữa tăng huyết áp với trầm cảm, nói cách khác tăng huyết áp làm tăng khả năng bạn bị trầm cảm bởi những lý do nêu trên.

Nếu gặp cảm giác buồn hay tuyệt vọng kéo dài, bạn nên trò chuyện, trao đổi và thảo luận với bác sĩ về triệu chứng này. Nếu được chẩn đoán trầm cảm, phối hợp điều trị bằng liệu pháp tâm lý, tham vấn và thuốc có thể giúp bạn giảm triệu chứng. Ngược lại, stress cũng đóng vai trò thúc đẩy tăng huyết áp, nghĩa là làm cho bạn dễ mắc tăng huyết áp hơn nếu chưa bị trước đó hoặc làm huyết áp cao, khó kiểm soát nếu bạn đã mắc tăng huyết áp [3].

Stress có thể được giảm thiểu nhờ việc tham vấn với bác sĩ, thay đổi suy nghĩ, tư duy hoặc dùng thuốc nếu những biện pháp trên chưa hiệu quả. Nhìn chung, cách tốt nhất để đối phó stress vẫn nằm ở chính bạn, thông qua thay đổi các mong đợi của bạn thân cho thực tế, đơn giản, tránh ôm đồm quá nhiều thứ ngoài khả năng và sắp xếp, điều chỉnh hoạt động, công việc hàng ngày cho hợp lý, xen kẽ với giải trí, thư giãn.

Vấn đề tâm lý trên bệnh nhân tăng huyết áp còn xảy ra ở một khía cạnh khác. Bởi vì bệnh diễn tiến thầm lặng, nhiều khi không gây triệu chứng cảnh báo đặc biệt nên một số người có xu hướng phủ nhận khi được thông báo tình trạng huyết áp của mình và cho rằng có thể huyết áp chỉ cao thoáng qua [4]. Điều này gây bất lợi bởi vì bạn sẽ không thay đổi lối sống hay tuân thủ điều trị thuốc mà bác sĩ kê toa nếu như bạn không tin rằng mình bị bệnh. Theo thời gian, huyết áp cao không được kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng tại tim, thận, não, mắt,…

Stress và tăng huyết áp có mối liên quan với nhau

Hình 2: Stress và tăng huyết áp có mối liên quan với nhau [5]

>> Xem thêm: Tăng huyết áp về đêm: những điều cần biết

3. Yếu tố xã hội trong phương pháp sống khỏe với tăng huyết áp

Tăng huyết áp, giống như đái tháo đường, là bệnh mạn tính phải theo dõi và điều trị dài hạn suốt đời. Thời gian dành cho việc chăm sóc, điều trị bệnh ít nhiều có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội của bạn. Ngay cả việc thay đổi thói quen theo hướng có lợi như sức khỏe chẳng hạn như ngừng hút thuốc hay giảm đồ uống có cồn cũng làm bạn giảm thời gian cho các buổi tiệc tùng mà vốn trước đó có thể là nơi bạn gặp gỡ bạn bè, trao đổi công việc, tạo dựng hay duy trì mối quan hệ cá nhân. Những sự kiện ở nhà hàng, tiệm ăn đôi khi cũng không phù hợp với bạn bởi vì khuyến cáo dành cho người tăng huyết áp là nên giảm muối, giảm chất béo, điều khó thực hiện với các món ăn nấu sẵn ở nhà hàng.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể điều chỉnh dần dần chứ không cần từ bỏ hẳn các thói quen từ trước sao cho cân bằng cả hai lợi ích: Kiểm soát bệnh và duy trì quan hệ xã hội. Thậm chí, đôi khi bạn còn tìm thấy sự hỗ trợ từ những bạn bè, hội nhóm có người cùng mắc tăng huyết áp bởi vì họ cùng chia sẻ sự thay đổi do bệnh mang lại giống bạn, có thể đồng cảm với nhau hơn. Việc kết bạn trực tuyến cũng có lợi nếu như mọi người ở xa và ít thời gian gặp gỡ, tụ tập.

Họ có thể có những mẹo hoạt động thể lực có ích vừa sức hay phương pháp chế biến thức ăn phù hợp cho bệnh nhân tăng huyết áp mà vẫn không thay đổi khẩu vị quá nhiều, giúp bạn làm quen được với việc thay đổi lối sống, điều luôn được bác sĩ khuyến cáo đầu tay trong quá trình điều trị. Ngoài ra, sự đồng hành của người khác thông qua câu lạc bộ bệnh nhân còn giúp bạn có động lực, dễ tuân thủ điều trị, dễ đạt mục tiêu kiểm soát huyết áp đề ra hơn (Hình 3).

Duy trì các mối quan hệ xã hội thông qua câu lạc bộ bệnh nhân

Hình 3: Duy trì các mối quan hệ xã hội thông qua câu lạc bộ bệnh nhân

>> Xem thêm: Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp đúng cách và hiệu quả

4. Tuân thủ điều trị thuốc

Việc đầu tiên cần biết là cách tự theo dõi huyết áp của mình bởi vì trị số huyết áp mà bạn đo được tại nhà nhiều ngày liên tiếp phản ánh mức độ kiểm soát bệnh chính xác hơn chỉ dựa vào kết quả đo tại phòng khám của bác sĩ cách mỗi 1-2 tháng. Máy đo huyết áp điện tử dành cho bệnh nhân dùng tại nhà hiện tại tương đối phổ biến, dễ mua, dễ sử dụng và giá cả hợp lý.

Bạn có thể ghi lại kết quả đo được vào một quyển sổ hay hiện đại hơn là lưu vào điện thoại di động, máy tính, máy tính bảng. Một số máy huyết áp tân tiến còn cho phép kết nối với điện thoại nhằm kết nối và lưu lại dữ liệu dễ dàng để bạn hay bác sĩ xem lại lúc cần. Những trị số này giúp bác sĩ nắm được tình trạng của bạn để điều chỉnh thuốc cho phù hợp, đặc biệt khi huyết áp chưa ổn định.

Nhớ thời điểm, số liều và hàm lượng thuốc dùng trong ngày là điều tối quan trọng bởi vì chỉ cần quên một, hai cữ thuốc cũng có thể làm huyết áp bạn dao động đáng kể. Ngoài mức huyết áp cao, sự biến thiên huyết áp lên xuống cũng ảnh hưởng nhiều đến nguy cơ xuất hiện biến chứng tim, thận, não,…

Tốt nhất là uống thuốc theo đúng hướng dẫn trên toa của bác sĩ, các cữ thuốc nên được uống theo giờ cố định mỗi ngày để giãn cách khoảng dùng thuốc cố định. Bạn nên để ý đến những yếu tố gây khởi phát hoặc làm nặng thêm cơn huyết áp cao như ăn muối nhiều, lo lắng, giận dữ, tập luyện thể lực cường độ cao nhằm tránh hoặc hạn chế gặp phải lần sau nếu có thể.

Tóm lại, bạn vẫn hoàn toàn có thể sống khỏe cùng tăng huyết áp nếu thực hiện một số thay đổi cho phù hợp. Những sự điều chỉnh này không khó áp dụng vào thực hành, chỉ cần bạn có quyết tâm và lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng. Đừng để tăng huyết áp cản trở cuộc sống thường nhật của bạn.

 

Tài liệu tham khảo:

  1.  https://www.verywellhealth.com/living-well-with-hypertension-1764117
  2.  https://www.onemedical.com/blog/live-well/natural-ways-to-treat-high-blood-pressure-part-2/
  3.  American Heart Association. Changes You Can Make to Manage High Blood Pressure.
  4.  Liu MY, Li N, et al (2017). Association between psychosocial stress and hypertension: a systematic review and meta-analysis. Neurol Res, 39(6):573-580.
  5.  Anthony H, Valinsky L, Inbar Z, Gabriel C, Varda S. Perceptions of hypertension treatment among patients with and without diabetes. BMC Fam Pract. 2012;13:24. doi:10.1186/1471-2296-13-24.
  6.  https://www.psychologytoday.com/us/blog/resolution-not-conflict/201802/why-do-anxiety-and-high-blood-pressure-go-hand-in-han

VN-NONC-00071;exp:22/11/2025

 
Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.