Tần số tim và huyết áp: Hai chỉ số cần quan tâm khi điều trị
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Tăng huyết áp, nói một cách dễ hiểu là huyết áp cao, là một tình trạng tim mạch phổ biến ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Trong khi trị số huyết áp là một mục tiêu điều trị truyền thống lâu nay, một yếu tố mới đã thu hút sự chú ý ngày càng nhiều, đó là tần số tim.
Trong những năm gần đây, nghiên cứu đã làm sáng tỏ vai trò quan trọng của tần số tim trong bệnh lý tăng huyết áp và các biến chứng liên quan. Theo quan điểm hiện đại, tần số tim được xem như một chỉ số quan trọng thứ ba cần xem xét trong quản lý tăng huyết áp, bên cạnh các kết quả huyết áp tâm thu-tâm trương hay dao động huyết áp.
Đồng thời, bác sĩ có thể nhấn mạnh với bạn về tầm quan trọng của việc duy trì tần số tim lý tưởng dưới 80 nhịp mỗi phút.
1. Mối quan hệ giữa tần số tim (nhịp tim) và huyết áp là gì?
Tần số tim và huyết áp có mối liên kết chặt chẽ, tạo thành một sự tương tác hai chiều trong hệ tim mạch. Khi tần số tim tăng, tim hoạt động nhanh hơn, dẫn đến tăng huyết áp. Ngược lại, khi tần số tim chậm, lượng máu bơm ra từ tim giảm, dẫn đến giảm huyết áp.
Cả hai chỉ số đều đóng góp vào việc bơm máu đầy đủ cho các cơ quan trong cơ thể. Mối quan hệ tương hỗ này làm nổi bật sự quan trọng của việc theo dõi cùng lúc cả tần số tim và huyết áp để hiểu một cách toàn diện về sức khỏe tim mạch của bạn (Hình 1) [1]. Mối liên hệ sớm nhất được tìm ra từ khoảng năm 1945. Một bác sĩ quân y người Mỹ khi này tìm ra rằng những người có tần số tim nhanh trong kỳ kiểm tra sức khỏe định kỳ sau này có xu hướng mắc tăng huyết áp nhiều hơn [2]. Không những tăng huyết áp, tần số tim cao còn có liên hệ với đề kháng insulin, béo phì, rối loạn lipid máu và rối loạn đường huyết [3].
>> Xem thêm: Tăng huyết áp là gì?
2. Tần số tim và huyết áp được kiểm soát chung thông qua hệ thần kinh
Hệ thống thần kinh tự chủ đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhịp tim. Nó bao gồm hai nhánh - hệ thống thần kinh giao cảm và hệ thống thần kinh phó giao cảm ngược.
Hệ thần kinh giao cảm chịu trách nhiệm cho phản ứng "chiến đấu hoặc chạy trốn", làm tăng tần số tim và huyết áp của bạn trong thời gian căng thẳng hoặc hoạt động thể lực.
Ngược lại, hệ thần kinh phó giao cảm thúc đẩy phản ứng "nghỉ ngơi và tiêu hóa", làm chậm tần số tim và thúc đẩy sự thư giãn.
Những người mắc bệnh tăng huyết áp thường có hệ thống thần kinh giao cảm bị hoạt hóa quá mức, dẫn đến tăng cả tần số tim lẫn huyết áp. Sự kích hoạt kéo dài của hệ thống này có thể gây hại cho hệ tim mạch, gây căng thẳng quá mức cho tim và mạch máu, góp phần vào việc tiến triển biến chứng của tăng huyết áp.
3. Vai trò của tần số tim trong quản lý tăng huyết áp là gì?
Như đã đề cập, trước đây, trong quá trình quản lý tăng huyết áp, bác sĩ chỉ tập trung vào kiểm soát trị số huyết áp tâm thu hoặc tâm trương, vì vậy tầm quan trọng của nhịp tim đã bị một phần bỏ qua. Tuy nhiên, gần đây, nhiều nghiên cứu đã làm sáng tỏ tiềm năng lợi ích của việc đặt tần số tim như một mục tiêu điều trị bổ sung.
Tần số tim đã được tìm thấy là yếu tố nguy cơ tim mạch. Tần số tim cao dễ làm bạn gặp phải biến chứng của tăng huyết áp hơn. Trên bệnh nhân đã có tăng huyết áp, người với tần số tim cao tăng khả năng tổn thương thận hoặc xơ cứng động mạch [4, 5].
4. Lợi ích của việc duy trì tần số tim thấp?
Lợi ích của việc duy trì tần số tim thấp
>> Xem thêm: Hệ thần kinh giao cảm và mối liên quan với bệnh mạch vành
Đạt được và duy trì ngưỡng tần số tim thấp giúp bạn có những lợi ích như:
- Giảm sức ép lên hệ tim mạch: Tần số tim thấp làm giảm áp lực lên tim và mạch máu. Điều này giúp giảm nguy cơ suy tim, nhồi máu cơ tim và các biến chứng tim mạch khác.
- Kiểm soát huyết áp tốt hơn: Bởi vì tần số tim quyết định huyết áp nên tần số tim thấp thường tương quan với việc kiểm soát huyết áp tốt hơn.
- Cân bằng hệ thần kinh tự chủ: Đặt mục tiêu làm giảm thấp tần số tim giúp cân bằng hệ thần kinh giao cảm và hệ thần kinh phó giao cảm. Thông qua các thuốc điều trị gây ức chế hệ giao cảm, sự cân bằng này giúp tạo ra trạng thái tim mạch khỏe mạnh và góp phần vào tình trạng sức khỏe tổng thể.
- Giảm triệu chứng liên quan: Tần số tim cao có thể gây ra các biểu hiện như đánh trống ngực, lo âu và mệt mỏi. Bằng cách giảm tần số tim, bạn có thể giảm thiểu những triệu chứng khó chịu này, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống.
5. Tại sao tần số tim tối ưu nên là dưới 80 lần/phút?
Tần số tim dưới 80 nhịp mỗi phút được xem là lý tưởng
Tần số tim dưới 80 nhịp mỗi phút được xem là lý tưởng (Hình 2). Mặc dù có thể tồn tại sự khác biệt cá nhân, mục tiêu này tương ứng với các khuyến cáo của các hiệp hội chuyên khoa. Con số này đến từ nhiều nghiên cứu trước đây.
Ví dụ, trong một công trình ở người tăng huyết áp, tần số tim lớn hơn 80 lần/phút có liên quan với tăng khả năng tử vong, trong khi nhóm tần số tim thấp, đặc biệt khoảng 61-70 lần/phút lại có khả năng tử vong thấp nhất [6].
Một số nghiên cứu đưa ra các kết quả gần tương tự, ví dụ ngưỡng 79 lần/phút hay 84 lần/phút [7, 8, 9]. Ở người mới chỉ tiền tăng huyết áp (huyết áp tăng nhẹ), tần số tim cao trên 80 lần/phút cũng đưa đến tăng 50% nguy cơ tử vong [10].
Dựa trên các kết quả này và dễ đơn giản hóa quá trình thực hành điều trị, bác sĩ thường khuyến cáo bạn lấy một ngưỡng chung dễ nhớ cho tần số tim tối ưu là 80 lần/phút.
6. Kết luận
Tóm lại, tần số tim đã trở thành một chỉ số quan trọng thứ ba đòi hỏi được chú ý trong quản lý tăng huyết áp. Hiểu rõ mối quan hệ giữa tần số tim và huyết áp là điều cần thiết trong việc tự quản lý và theo dõi sức khỏe của bạn. Duy trì tần số tim lý tưởng dưới 80 lần/phút mang lại nhiều lợi ích, bao gồm giảm sức ép lên hệ tim mạch, kiểm soát huyết áp tốt hơn, cũng như giảm triệu chứng và biến chứng của tăng huyết áp.
>> Xem thêm: Tại sao và nên tập thể dục như thế nào là tốt cho tim mạch?
Tài liệu tham khảo
- https://www.verywellhealth.com/blood-pressure-heart-rate-5216343
- Levy RL, White PD, Stroud WD, Hillman CC. Transient tachycardia: prognostic significance alone and in association with transient hypertension. JAMA. 1945; 129:585–588.
- Palatini P. Heart rate as a cardiovascular risk factor: do women differ from men?Ann Med. 2001; 33:213–221.
- Bohm M, Reil JC, Danchin N, Thoenes M, Bramlage P, Volpe M. Association of heart rate with microalbuminuria in cardiovascular risk patients: data from I-SEARCH. J Hypertens. 2008; 26:18–25.
- Benetos A, Adamopoulos C, Bureau JM, Temmar M, Labat C, Bean K, Thomas F, Pannier B, Asmar R, Zureik M, Safar M, Guize L. Determinants of accelerated progression of arterial stiffness in normotensive and treated hypertensive subjects over a 6-year period. Circulation. 2002; 105:1202–1207.
- Paul L, Hastie CE, Li WS, Harrow C, Muir S, Connell JMC, Dominiczak AF, McInnes GT, Padmanabhan S. Resting heart rate pattern during follow-up and mortality in hypertensive patients. Hypertension. 2010; 55:567–574.
- Palatini P, Thijs L, Staessen JA, Fagard RH, Bulpitt CJ, Clement DL, de Leeuw PW, Jaaskivi M, Leonetti G, Nachev C, O'Brien ET, Parati G, Rodicio JL, Roman E, Sarti C, Tuomilehto J. Predictive value of clinic and ambulatory heart rate for mortality in elderly subjects with systolic hypertension. Arch Intern Med. 2002; 162:2313–2321.
- Okin PM, Kjeldsen SE, Julius S, Hille DA, Dahlöf B, Edelman JM, Devereux RB. All-cause and cardiovascular mortality in relation to changing heart rate during treatment of hypertensive patients with electrocardiographic left ventricular hypertrophy. Eur Heart J. 2010; 31:2271–2279.
- Julius S, Palatini P, Kjeldsen S, Zanchetti A, Weber MA, McInnes GT, Brunner HR, Schork MA, Hua T, Holzhauer B, Zappe D, Majahalme S, Jamerson K, Koylan N. Tachycardia predicts cardiovascular events in the VALUE trial. American Society of Hypertension 2010 Scientific Meeting; May 1–4, 2010; New York, NY. Abstract LB-OR-01.
- King DE, Everett CJ, Mainous AG, Liszka HA. Long-term prognostic value of resting heart rate in subjects with prehypertension. Am J Hypertens. 2006; 19:796–800.
VN_GM_CV_359;exp: 30/7/2025
- MỘT SỐ CÂU HỎI THƯỜNG GẶP LIÊN QUAN ĐẾN THUỐC ĐIỀU TRỊ TIM MẠCH VÀ COVID-19
- 5 phương pháp tự kiểm soát huyết áp đơn giản và hiệu quả
- Những căn bệnh liên quan đến tần số tim cao cần lưu ý khi điều trị
- Tần số tim: Mối tương quan và biến chứng đối với bệnh lý tim mạch
- Phương pháp sống khỏe với tăng huyết áp có thể thực hiện tại nhà
- Chế độ ăn DASH là gì? Ứng dụng chế độ ăn trong điều trị tăng huyết áp
- Chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp: Nên ăn gì và kiêng gì?
- Lợi ích khi áp dụng chế độ ăn giảm muối và mẹo điều chỉnh tỷ lệ muối
- TẦN SỐ TIM TĂNG: CƠ CHẾ, ĐỊNH LƯỢNG VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA BỆNH
- TẦN SỐ TIM BÌNH THƯỜNG LÀ BAO NHIÊU? NHẬN BIẾT TẦN SỐ TIM BẤT THƯỜNG
- TẦN SỐ TIM: THÔNG TIN VỀ KHÁI NIỆM VÀ VAI TRÒ ĐỐI VỚI SỨC KHỎE
- 11 PHÚT CÙNG TS. BS. PHAN ĐÌNH PHONG TÌM HIỂU NHANH VỀ BỆNH TIM MẠCH
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp