Tần số tim: Mối tương quan và biến chứng đối với bệnh lý tim mạch
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Trong hàng loạt các chỉ số phản ánh chức năng hệ tim mạch của bạn, tần số tim được xem là yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với toàn bộ mọi giai đoạn bệnh lý tim mạch (Hình 1) [1]
Hình 1: Vai trò trung tâm của tần số tim trong các bệnh lý tim mạch [1]
1. Mối tương quan giữa tần số tim và bệnh lý tim mạch
Nhiều nghiên cứu dịch tễ và lâm sàng cho thấy khả năng tử vong do nguyên nhân tim mạch trong tương lai đã dần tăng tỉ lệ thuận với tần số tim lúc nghỉ ngay cả ở dân số hoàn toàn chưa được chẩn đoán bệnh tim mạch. Nói cách khác, bản thân tần số tim ảnh hưởng trên hệ tim mạch không phụ thuộc các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, mặc dù nếu có sự đồng hiện diện những bệnh lý này thì khả năng gặp biến cố tim mạch cao hơn [2], [3]. Có thể thấy, tần số tim tham gia vào giai đoạn rất sớm của chuỗi bệnh lý tim mạch. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tần số tim cao được ghi nhận từ nhiều năm trước khi xuất hiện béo phì hay đái tháo đường [4].
2. Các biến chứng tim mạch từ tần số tim
Dẫn đến tiến triển bệnh tăng huyết áp
Mối tương quan mật thiết giữa tần số tim với sự tiến triển của tăng huyết áp đã được khảo sát và công bố từ khá sớm (năm 1945) trong một phân tích trên những người lính quân đội từ chiến tranh thế giới thứ nhất [6]. Tần số tim của bạn càng cao thì huyết áp càng tăng dần theo. So với những người có tần số tim bình thường, nhóm tần số tim cao mang khả năng mắc tăng huyết áp về sau cao gấp hai lần.
Cũng từ nghiên cứu này, khoảng 15% bệnh nhân tăng huyết áp có tần số tim >85 lần/phút, 27% có tần số tim >80 lần/phút, chứng tỏ mức độ phổ biến của tình trạng tần số tim cao ở người tăng huyết áp [7]. Mỗi khi tăng tần số tim thêm 40 lần/phút thì các biến chứng gây ra do huyết áp cao (kể cả tử vong) đều tăng gấp đôi [3].
Tác động đến thận
Một trong những ảnh hưởng nguy hiểm của tăng huyết áp là tác động trên thận, biểu hiện bởi sự xuất hiện đạm trong nước tiểu (đạm niệu), phản ánh thận của bạn đã bị tổn thương, dẫn đến thất thoát đạm từ máu vào nước tiểu. Tỉ lệ gặp bất thường này tăng khi tần số tim tăng và đặc biệt cao hơn nữa nếu nhịp tim bị rối loạn, đập không đều theo kiểu rung nhĩ [8], [9].
Đó là lý do bác sĩ luôn quan tâm đến tần số tim của bạn trong quá trình điều trị huyết áp. Hầu như tất cả máy đo huyết áp điện tử mà bạn sử dụng tại nhà đều đồng thời hiển thị tần số tim, một số thậm chí còn phát hiện và cảnh báo sớm nếu phát hiện bạn có nhịp tim không đều (Hình 2). Nên chú ý rằng, mặc dù khoảng tham chiếu được xem bình thường là khoảng 60-100 lần/phút nhưng nếu tần số tim lúc nghỉ của bạn rơi vào tầm 80-85 lần/phút trở lên, các biến chứng liên quan tim mạch đã bắt đầu xuất hiện và tiến triển âm thầm.
Gây xơ vữa động mạch máu
Khi những yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường kể trên diễn ra trong thời gian đủ dài và với mức độ đủ nặng, mạch máu của bạn bắt đầu thay đổi, hình thành mảng xơ vữa ở bên trong mạch máu, tần số tim lúc này cũng có vai trò thúc đẩy làm quá trình nói trên xảy ra nhanh hơn [10].
Hình 2: Máy đo huyết áp điện tử
>> Xem thêm: Cường giao cảm – Hậu quả của hội chứng chuyển hóa
Các biến chứng ở tim
Nếu bạn mắc bệnh mạch vành hay còn gọi là bệnh tim thiếu máu cục bộ, tần số tim >70 lần/phút được chứng minh làm tăng tỉ lệ tử vong hoặc tăng khả năng phải nhập viện vì suy tim, nhồi máu cơ tim [11]. Đặc biệt hơn, sau khi đã xảy ra nhồi máu cơ tim, cho dù không bị suy tim, nếu bạn có tần số tim lớn (>100 lần/phút) thì khả năng gặp các kết cục xấu cũng cao hơn người có tần số tim bình thường-thấp (<60 lần/phút), ví dụ như tỉ lệ tử vong tăng từ 3.3% lên 10.1% [12], [13].
Gây đột quỵ
Xu hướng này cũng đúng với tần số tim ³76 lần/phút ở người đã bị đột quỵ [14]. Thực tế nói trên được các nhà nghiên cứu lý giải rằng khi tần số tim cao thì lượng máu mà tim cung cấp cho mạch vành để nuôi chính mình lại giảm đi bởi vì máu không kịp hút về bởi khoảng nghỉ giữa các lần tim bóp quá ít, trong khi đó tim đập nhanh đồng nghĩa với tim đang phải làm việc nhiều hơn và cần sử dụng oxy nhiều hơn. Hệ quả là lượng cung cấp thì ít nhưng nhu cầu lại cao, dẫn đến làm nặng thêm tình trạng thiếu oxy cơ tim, vốn đã giảm do động mạch vành của bạn bị hẹp từ trước vì xơ vữa [15].
Bản thân tần số tim nhanh có thể gây suy tim [16]. Ngược lại, khi bạn đã mắc suy tim vì bất kỳ nguyên nhân gì (tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim), tình trạng tần số tim cao do hậu quả của cường giao cảm là một chỉ dấu tiên lượng xấu, làm bạn có khả năng gặp các biến cố bất lợi nhiều hơn [17], [18], [19]. Vì vậy, kiểm soát tần số tim là một trong những mục tiêu điều trị suy tim mà bác sĩ sẽ thảo luận với bạn nhằm lựa chọn các loại thuốc phù hợp riêng cho từng cá thể.
Tóm lại, tần số tim là thành tố quan trọng đối với tất cả giai đoạn bệnh lý tim mạch, từ khi còn là yếu tố nguy cơ, mang vai trò tương đương với tăng huyết áp, đái tháo đường cho đến khi tiến triển thành bệnh lý rõ ràng như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim và cuối cùng là suy tim.
>> Xem thêm: Hệ thần kinh giao cảm và mối liên quan với bệnh mạch vành
Tài liệu tham khảo
- Florian Custodis, Jan-Christian Reil, et al (2013). Heart rate: a global target for cardiovascular disease and therapy along the cardiovascular disease continuum. J Cardiol, 62(3):183-187.
- Kannel WB, Kannel C, et al (1987). Heart rate and cardiovascular mortality: the Framingham Study. Am Heart J, 113:1489-1494.
- Gillman MW, Kannel WB, et al (1993). Influence of heart rate on mortality among persons with hypertension: the Framingham Study. Am Heart J, 125:1148-1154.
- Shigetoh Y, Adachi H, et al (2009). Higher heart rate may predispose to obesity and diabetes mellitus: 20-year prospective study in a general population. Am J Hypertens, 22:151-155.
- Carnethon MR, Yan L, et al (2008). Resting heart rate in middle age and diabetes development in older age. Diabetes Care, 31:335-339.
- Levy RL, White PD, et al (1945). Transient tachycardia: prognostic significance alone and in association with transient hypertension. JAMA, 129:585-588.
- Palatini P, Graniero GR, et al (1994). Relation between physical training and ambulatory blood pressure in stage I hypertensive subjects. Results of the HARVEST Trial. Hypertension and Ambulatory Recording Venetia Study. Circulation, 90:2870-2876.
- Bohm M, Reil JC, et al (2008). Association of heart rate with microalbuminuria in cardiovascular risk patients: data from I-SEARCH, J Hypertens, 26:18-25.
- Bohm M, Thoenes M, et al (2009). Atrial fibrillation and heart rate independently correlate to microalbuminuria in hypertensive patients. Eur Heart J, 30:1364-1371.
- Giannoglou GD, Chatzizisis YS, et al (2008). Elevated heart rate and atherosclerosis: an overview of the pathogenetic mechanisms. Int J Cardiol, 126:302-312.
- Fox K, Ford I, et al (2009). Relationship between ivabradine treatment and cardiovascular outcomes in patients with stable coronary artery disease and left ventricular systolic dysfunction with limiting angina: a subgroup analysis of the randomized, controlled BEAUTIFUL trial. Eur Heart J, 30:2337-2345.
- Hjalmarson A, Gilpin EA, et al (1990). Influence of heart rate on mortality after acute myocardial infarction. Am J Cardiol, 65:547-553.
- Zuanetti G, Hernandes-Bernal F, et al (1999). Relevance of heart rate as a prognostic factor in myocardial infarction: the GISSI experience. Eur Heart J, 1:H52-H57.
- Bohm M, Cotton D, et al (2012). Impact of resting heart rate on mortality, disability and cognitive decline in patients after ischaemic stroke. Eur Heart J, 33:2804-2812.
- Heusch G (2008). Heart rate in the pathophysiology of coronary blood flow and myocardial ischaemia: benefit from selective bradycardic agents. Br J Pharmacol, 153:1589-1601.
- Solares CA, Alpert MA (2003). Tachycardia-induced cardiomyopathy. Am J Med, 114:51-55.
- McAlister FA, Wiebe N, et al (2009). Meta-analysis: beta-blocker dose, heart rate reduction, and death in patients with heart failure. Ann Intern Med, 150:784-794.
- Lechat P, Escolano S, et al (1997). Prognostic value of bisoprolol-induced hemodynamic effects in heart failure during the Cardiac Insufficiency BIsoprolol Study (CIBIS). Circulation, 96:2197-2205.
- Lechat P, Hulot JS, et al (2001). Heart rate and cardiac rhythm relationships with bisoprolol benefit in chronic heart failure in CIBIS II Trial. Circulation, 103:1428-1433.
VN-NONC-00072;exp:22/11/2025
- Các ứng dụng di động theo dõi sức khoẻ cho người tăng huyết áp
- Công thức nấu ăn cho người tăng huyết áp: Thực đơn 7 ngày
- 4 tác động của tăng huyết áp đến sức khỏe tinh thần cần lưu ý
- Tăng huyết áp và giấc ngủ: Mức độ ảnh hưởng, biến chứng và phòng ngừa
- Tình dục và tăng huyết áp có mối liên quan và mức độ ảnh hưởng ra sao?
- Giải pháp quản lý tăng huyết áp tại nơi làm việc đơn giản và hiệu quả
- Chi tiết về huyết áp kẹt: Mức độ nguy hiểm và hướng dẫn phòng ngừa
- Người huyết áp cao nên ăn gì và kiêng gì? Lối sống hiện đại ảnh hưởng tới tăng huyết áp như thế nào?
- Hiểu rõ chỉ số huyết áp và nguyên nhân tăng huyết áp ở giới trẻ
- Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản
- Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
- 7 cách quản lý huyết áp tại nhà có thể bạn chưa biết
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp