Những lưu ý khi ăn chay dành cho bệnh nhân tuyến giáp? Ưu nhược điểm
Hiện nay, ăn chay có xu hướng ngày càng phổ biến. Một số ăn chay vì lý do tôn giáo, số khác ăn chay theo khẩu vị ưa thích, lại có những người ăn chay vì lý do lợi ích sức khỏe đặc biệt là bệnh nhân bướu cổ (bệnh giáp). Điều này cũng đồng thời đặt ra câu hỏi, liệu việc ăn chay có phù hợp cho mọi tình huống hay không và bệnh nhân bướu cổ có nên ăn chay không? Câu trả lời sẽ có trong bài viết sau.
1. Những nguyên liệu phổ biến trong đồ ăn chay là gì?
Với người ăn mặn, nguồn cung cấp dinh dưỡng có thể đến từ gần như tất cả nguyên liệu sẵn có. Tuy nhiên, ở người ăn chay, nguyên liệu sử dụng để chế biến bị hạn chế hơn. Nguyên tắc chung của ăn chay là thay đạm động vật bằng đạm thực vật.
Như vậy, thành phần chính trong khẩu phần chay đa phần giàu đạm, ví dụ đậu hũ hay các cây họ đậu khác. Rau củ là một phần quan trọng không thể thiếu của bữa ăn chay. Tinh bột và chất béo nhìn chung không khác biệt với người ăn mặn, ngoại trừ chỉ sử dụng dầu nguồn gốc thực vật.
2. Có những kiểu ăn chay nào?
Có nhiều kiểu ăn chay, khác biệt tùy thuộc nguyên liệu được phép sử dụng (Hình 1):
- Lacto-vegetarian: được sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa.
- Ovo-vegetarian: được sử dụng trứng.
- Lacto-ovo vegatarian: được sử dụng sữa và trứng.
- Pescatarian: được sử dụng cá.
- Polotarian: được sử dụng gia cầm (gà, vịt).
- Polo-pescatarian: được sử dụng cá và gia cầm (như vậy chủ yếu không ăn thịt đỏ).
- Flexitarian: chế độ ăn chủ yếu dựa trên thực vật nhưng được sử dụng thịt, cá, trứng, sữa với lượng ít hoặc thi thoảng.
- Fruitarian: chỉ ăn trái cây và các loại hạt.
- Vegan: ăn chay thuần, hoàn toàn không có thịt, cá, trứng, sữa.
Các kiểu ăn chay được phân loại dựa trên nguyên liệu sử dụng
>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng ở người có bệnh tuyến giáp
3. Lợi ích của ăn chay là gì?
So với người ăn mặn, chế độ ăn chay tập trung vào thực vật. Do vậy, khẩu phần chay hạn chế được các chất béo có hại như cholesterol, chất béo bão hòa, chất béo dạng trans. Đồng thời, sử dụng nhiều rau củ giúp cung cấp thêm vitamin, khoáng chất và chất oxi hóa.
4. Ăn chay có nhược điểm gì?
Nhược điểm dễ thấy trước mắt của ăn chay là bạn có thể bị thiếu một số chất nhất định, những chất vốn chỉ có trong động vật. Do vậy, bạn có thể phải sử dụng thêm các thực phẩm bổ sung khoáng chất để đảm bảo nhu cầu của cơ thể. Những tác động có hại cho sức khỏe vẫn còn đang được nghiên cứu thêm.
5. Bệnh nhân tuyến giáp cần chú ý gì khi ăn chay?
Chế độ ăn chay nhìn chung phù hợp cho cả người bệnh tuyến giáp lẫn người khỏe mạnh không mắc bệnh tuyến giáp. Không có khái niệm khẩu phần ăn chay dành riêng cho người bệnh tuyến giáp. Tuy nhiên, có hai khía cạnh cần lưu ý nếu bạn muốn áp dụng chế độ ăn này.
Bệnh nhân tuyến giáp cần lưu ý nguy cơ thiếu chất khi ăn chay
Nguy cơ thiếu chất
Ở người bình thường, sắt được cung cấp dồi dào bởi thịt (đặc biệt thịt bò). Khi ăn chay, sắt là một trong những nguyên liệu có thể bị thiếu. Mặc dù nhiều loại rau lá xanh có thể giàu sắt, loại phân tử sắt trong rau tồn tại ở dạng khó hấp thu hơn so với sắt trong động vật. Do vậy, bạn có thể bị thiếu sắt [1].
Thứ hai, do ít hoặc không ăn cá và động vật biển, bạn có thể thiếu iod, đặc biệt ở nhóm người thuần chay [2].
Iod là nguyên liệu để tổng hợp hormon giáp. Trong khi đó, sắt là thành tố tham gia vào quá trình tổng hợp này.
Do vậy, khi thiếu sắt và/hoặc iod lâu ngày, bạn có thể biểu hiện triệu chứng thiếu hormon giáp (suy giáp). Sự thiếu hormone kéo dài làm cơ thể cố gắng tăng hoạt động sản xuất, có thể dẫn đến bướu cổ.
>> Xem thêm: Biến chứng của cường giáp và nguy cơ của cường giáp không điều trị
Khẩu phần ăn tập trung quá nhiều vào một nhóm rau
Nếu ăn chay với khẩu phần đa dạng, bạn không phải lo lắng về vấn đề này. Tuy nhiên, một số người chỉ ăn giới hạn trong một số loại rau nhất định với thời gian dài. Trong số này, bạn cần chú ý đến khoai mì và rau họ cải, ví dụ cải xoăn kale, bắp cải, súp lơ trắng, súp lơ xanh (Hình 2) [3].
Chúng có chứa chất thiocyanate gây ức chế tuyến giáp tổng hợp hormone. Nếu tiêu thụ lượng lớn những rau này kéo dài, bạn có khả năng suy giáp và/hoặc bướu cổ.
Các loại cây họ cải có thể gây suy giáp và bướu cổ [3]
6. Làm thế nào để hạn chế tác động của rau họ cải trên tuyến giáp?
Vẫn có cách để bạn ăn rau họ cải một cách an toàn. Thiocyanate là một chất dễ bị hủy bởi nhiệt. Do vậy, nấu chín là một phương pháp loại bỏ tốt chất này trong rau. Ngoài ra, thay đổi nhiều loại rau khác nhau giữa các bữa ăn là đúng cách để hạn chế sự tích tụ của thiocyanate trong cơ thể.
Nấu chín rau họ cải để loại bỏ thiocyanate
7. Đậu nành có ảnh hưởng đến bệnh tuyến giáp không?
Đậu nành là thành phần quan trọng trong các khẩu phần chay. Một số quan ngại cho rằng isoflavone trong đậu nành có thể cản trở sự hấp thu iod hay hormone giáp (nếu bạn đang điều trị suy giáp) hoặc ảnh hưởng chức năng tuyến giáp. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng khác phủ định điều này.
Do vậy, đây là vấn đề còn gây tranh cãi. Một nghiên cứu lớn năm 2019 cho thấy, sự thay đổi gây ra bởi đậu nành (nếu có), cũng rất nhỏ và gần như không gây hậu quả đáng kể [4]. Cho tới nay, bệnh nhân tuyến giáp vẫn được khuyên dùng đậu nành với lượng thông thường, không cần hạn chế đặc biệt, miễn là bạn đảm bảo cung cấp đủ iod.
Isoflavone trong đậu nành có thể gây cản trở sự hấp thu iod
Tóm lại, không có khẩu phần ăn chay đặc biệt dành riêng cho người bệnh tuyến giáp nói chung và bệnh nhân bướu cổ nói riêng. Người bệnh tuyến giáp khi ăn chay cần lưu ý đảm bảo bổ sung đủ sắt, iod. Đồng thời, khẩu phần cần đa dạng hóa, hạn chế tập trung quá nhiều vào một nhóm thực phẩm như đậu nành hay rau họ cải.
>> Xem thêm: Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp
Tài liệu tham khảo:
- Henjum S, Groufh-Jacobsen S, Stea TH, Tonheim LE, Almendingen K. Iron Status of Vegans, Vegetarians and Pescatarians in Norway. Biomolecules. 2021;11(3):454. Published 2021 Mar 18.
- Groufh-Jacobsen S, Hess SY, Aakre I, Folven Gjengedal EL, Blandhoel Pettersen K, Henjum S. Vegans, Vegetarians and Pescatarians Are at Risk of Iodine Deficiency in Norway. Nutrients. 2020;12(11):3555. Published 2020 Nov 20.
- https://mendocinocoastclinics.org/why-cruciferous-vegetables-are-good-for-you/
- Otun J, Sahebkar A, Östlundh L, Atkin SL, Sathyapalan T. Systematic Review and Meta-analysis on the Effect of Soy on Thyroid Function. Sci Rep. 2019;9(1):3964. Published 2019 Mar 8.
VN_GM_THY_193;exp:31/12/2024