Biến chứng của cường giáp và nguy cơ khi không điều trị

Banner Banner
Banner

Biến chứng của cường giáp và nguy cơ của cường giáp không điều trị

Cường giáp là một hội chứng không hiếm gặp ở người trưởng thành. Hội chứng này do nhiều bệnh lý khác nhau gây nên. Nếu không được điều trị, bệnh nhân cường giáp có khả năng gặp nhiều biến chứng. Mặc dù có thể trở nên nguy hiểm nếu bị bỏ quên, tin vui là đa phần bệnh nhân đều đáp ứng tốt khi được chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng mức.

Cường giáp là bệnh gì?

Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp của bạn sản xuất quá nhiều hormone giáp vượt ngưỡng bình thường [1]. Nguyên nhân thường gặp nhất của cường giáp là bệnh Graves (hay còn gọi là bệnh Basedow), tiếp theo là nhân độc giáp và bướu giáp đa nhân hóa độc.

Cường giáp thường gặp ở đối tượng nào?

Nữ giới có khả năng mắc cường giáp cao hơn nam. Nếu gia đình bạn từng có người bị cường giáp, bạn cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn. Một số bệnh lý khác được xem là có thể xuất hiện cùng với cường giáp như đái tháo đường típ 1, bạch biến hoặc suy thượng thận nguyên phát. Cường giáp còn liên quan tới yếu tố địa lý. Một số quốc gia với tình trạng thiếu iod diện rộng trong quá khứ có tỉ lệ người dân mắc nhân giáp cao hơn bình thường. Những nhân giáp này có thể là nguyên nhân gây cường giáp ở một thời điểm nhất định về sau. Mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ tại Việt Nam, có thể nhận thấy các nước châu Á nhìn chung có tỉ lệ cường giáp khá cao (Hình 1).

Một số quốc gia có tỉ lệ cường giáp cao

Hình 1: Một số quốc gia có tỉ lệ cường giáp cao [2]

>> Xem thêm: Nguyên nhân gây cường giáp

Cường giáp có nguy hiểm không?

Trong khi bản thân tình trạng cường giáp không đe dọa tính mạng, các biến chứng của nó lại tác động nhiều đến sức khỏe nếu không được điều trị. Những biến chứng của cường giáp nguy hiểm chủ yếu liên quan đến hệ tim mạch.

Cường giáp có phải là ung thư không?

Cường giáp không phải là tình trạng ác tính (ung thư giáp). Cường giáp là thuật ngữ chỉ trạng thái tăng hoạt động chức năng tuyến giáp do các nguyên nhân lành tính nêu trên. Trong khi đó, ung thư là sự tăng sinh ác tính của các tế bào tuyến giáp. Hai tình trạng này không thường đi chung với nhau. Phương pháp điều trị và dự hậu của hai bệnh dĩ nhiên cũng không giống nhau.

Biến chứng của cường giáp là gì?

Cường giáp có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng nếu không được điều trị:

Tim mạch

Những biến chứng của cường giáp nghiêm trọng nhất thường liên quan đến hệ tim mạch. Sở dĩ như vậy là vì tim là cơ quan chịu tác động của hormone giáp. Khi nồng độ hormone giáp tăng cao, tim tăng hoạt động đáng kể. Các biến chứng của cường giáp bao gồm rối loạn nhịp (dưới nhiều dạng, trong đó dạng nặng nhất là rung nhĩ), tăng huyết áp và suy tim. Rung nhĩ làm tăng khả năng xuất hiện huyết khối trong mạch máu. Nếu huyết khối di chuyển lên não thì gây bệnh cảnh đột quỵ. Suy tim thường là hậu quả sau một thời gian dài tim hoạt động quá sức dưới ảnh hưởng của cường giáp.

Bệnh lý mắt

Đây là đặc trưng của những trường hợp cường giáp do bệnh Graves. Lồi mắt là dấu hiệu điển hình của biến chứng này. Ngoài ra, người bệnh còn có thể thấy song thị (nhìn một vật thành hai), nhìn mờ, khô mắt, đỏ hay sưng mắt, cảm giác cộm xốn, nhạy cảm ánh sáng và không nhắm kín mắt. Bệnh có thể tiến triển nặng thành loét giác mạc và ảnh hưởng thần kinh thị giác. Ở giai đoạn muộn này, nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn khá cao.

Loãng xương

Hormone giáp ảnh hưởng đến quá trình hấp thu calcium của xương. Nếu không điều trị lâu ngày, xương dần mất calcium và khoáng chất, dẫn đến loãng xương. Xương lúc này trở nên giòn và dễ gãy.

Bệnh lý da

Mặc dù ít gặp hơn các biến chứng trên, bệnh lý da cũng là một dấu hiệu đặc trưng của cường giáp do bệnh Graves. Da người bệnh trở nên sưng, đỏ và dần sần sùi (giống vỏ cam). Triệu chứng này có thể được phát hiện ở cẳng chân hay mu bàn chân.

Bão giáp

Bão giáp là một biến chứng của cường giáp, cấp tính và đe dọa tính mạng. Đây được xem như mức độ nặng hơn của cường giáp, khi hormone giáp tăng cao gấp nhiều lần. Hậu quả là tất cả các cơ quan trong cơ thể đều chịu ảnh hưởng do nồng độ hormone giáp cao. Trong đó, hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa là những nơi biểu hiện triệu chứng điển hình.

>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tuyến giáp và các lưu ý

Biểu hiện của cường giáp là gì?

Cường giáp có thể bị chẩn đoán nhầm với nhiều bệnh lý khác do triệu chứng tương tự. Các biểu hiện của cường giáp khá đa dạng (Hình 1). Chúng bao gồm sụt cân không chủ ý (dù bạn vẫn ăn uống đầy đủ như bình thường), sợ nóng, hay đổ mồ hôi, run tay, đánh trống ngực, nhịp tim nhanh hồi hộp, lo âu, tiêu chảy, khó ngủ và rối loạn kinh nguyệt. Người lớn tuổi có thể không biểu hiện triệu chứng rõ và chỉ thấy mệt mỏi mơ hồ khi hoạt động thường nhật. Ngoài ra, tùy thuộc vào nguyên nhân gây cường giáp mà tuyến giáp có thể to lên rõ hoặc bình thường.

Các triệu chứng của cường giáp

Hình 2: Các triệu chứng của cường giáp [3]

Cần làm những gì để chẩn đoán cường giáp

Đầu tiên bác sĩ cần hỏi bệnh sử, cách triệu chứng xuất hiện và khám tuyến giáp của bạn. Ngoài ra, bác sĩ có thể cần khám triệu chứng run tay, tần số tim và sờ da để phát hiện triệu chứng da ấm, ẩm. Cường giáp được chẩn đoán xác định bằng cách lấy máu xét nghiệm nồng độ hormone giáp T3, T4 và một hormone từ tuyến yên là TSH. Nồng độ TSH có ý nghĩa quan trọng vì thay đổi sớm nhất khi tuyến giáp của bạn bắt đầu rối loạn. Cường giáp càng rõ thì TSH giảm càng nhiều và T3, T4 tăng càng cao. Sau khi điều trị ổn, nồng độ các hormone này sẽ dần quay về bình thường. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể chỉ định một số phương tiện chuyên sâu như siêu âm hay xạ hình tuyến giáp, đo kháng thể trong máu để tìm nguyên nhân của cường giáp nếu cần.

Các phương pháp điều trị cường giáp

Có ba phương pháp chính để điều trị cường giáp là thuốc kháng giáp, iod phóng xạ và phẫu thuật. Mục đích của chúng là giảm hoặc loại bỏ hoàn toàn hoạt động tiết hormone của tuyến giáp. Tùy theo từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ cân nhắc để chỉ định phương pháp phù hợp. Tại Việt Nam, thuốc kháng giáp thường là lựa chọn đầu tiên do tính đơn giản, tiện lợi đối với cả bác sĩ lẫn bệnh nhân. 

Bên cạnh đó, bác sĩ còn có thể chỉ định các biện pháp điều trị chuyên biệt khác tùy thuộc biến chứng đã xuất hiện. Ví dụ, bệnh lý mắt do Graves mức độ nhẹ có thể dùng nước mắt nhân tạo, gel bôi để giảm khô mắt. Thuốc kháng viêm, ức chế miễn dịch được chỉ định cho giai đoạn nặng hơn. Nếu lồi mắt nặng gây chèn ép, ảnh hưởng thần kinh thị giác, bạn có thể cần đến phẫu thuật. Các biến chứng tim mạch được quản lý bằng thuốc hạ áp, thuốc kháng đông và thuốc kiểm soát tần số tim nếu cần.

Mổ tuyến giáp có nguy hiểm không?

Phẫu thuật thường chỉ là lựa chọn cuối cùng trong trường hợp cường giáp khi không đáp ứng với hai phương pháp còn lại. Phẫu thuật tuyến giáp hiện nay nhìn chung an toàn do mức độ xâm lấn thấp. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp, bệnh nhân sẽ được chỉ định uống hormone giáp thay thế kéo dài.

Tóm lại, cường giáp để lại nhiều biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu được chẩn đoán và quản lý đúng mức, đa phần bệnh nhân có đáp ứng tốt và khỏi bệnh hoàn toàn.

>> Xem thêm: Rối loạn chức năng tuyến giáp: thủ phạm gây hiếm muộn

 

Tài liệu tham khảo:

1. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/hyperthyroidism/symptoms-causes/syc-20373659

2. Taylor PN, Albrecht D, Scholz A, et al. Global epidemiology of hyperthyroidism and hypothyroidism. Nat Rev Endocrinol. 2018;14(5):301-316

3. https://www.medicdrive.org/thyroid-disease/hyperthyroidism/

VN_GM_CV_142

Exp:4/5.2024

 
Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.