Mẹ bầu mắc suy giáp trong thai kỳ có nguy cơ gì khi sinh?
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Mang thai là một giai đoạn có nhiều sự thay đổi trong cơ thể người phụ nữ. Đây cũng là thời điểm mà trách nhiệm của người mẹ tăng lên, bởi vì sức khỏe của mẹ lúc này ảnh hưởng cả mẹ lẫn bé.
Một khía cạnh quan trọng trong thai kỳ khỏe mạnh là duy trì chức năng tuyến giáp đúng mức. Khi bị suy giáp trong lúc mang thai, một tình trạng mà tuyến giáp không sản xuất đủ hormon để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể, bạn có thể có những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe và phát triển của em bé. Bài viết này sẽ khám phá các nguy cơ liên quan đến mẹ bầu và trẻ sơ sinh nếu như mẹ mắc suy giáp và sự quan trọng của việc phát hiện cũng như quản lý sớm.
Vai trò của hormon giáp
Ở người trưởng thành, hormon giáp điều hòa và kiểm soát tốc độ chuyển hóa của cơ thể. Ở trẻ em những năm đầu đời, hormon giáp còn là yếu tố thúc đẩy sự phát triển bình thường của hệ thần kinh và não bộ.
Tầm quan trọng của việc quản lý nồng độ hormon giáp trong thai kỳ
Ở người không mang thai, suy giáp gây những ảnh hưởng nhất định nhưng xảy ra sau một thời gian dài tích lũy. Ở những tháng đầu thai kỳ, em bé chưa hình thành tuyến giáp của riêng mình. Nguồn hormon giáp để em bé sử dụng lúc này đến hoàn toàn từ mẹ.
Nếu mẹ bầu bị suy giáp, lượng hormon giáp không đủ cho nhu cầu của mẹ, dẫn đến cũng không đủ truyền sang con qua nhau thai. Từ đó, em bé cũng bị suy giáp theo. Do vậy, duy trì một mức nồng độ hormon giáp ổn định bình thường trong thai kỳ là điều quan trọng.
Nguyên nhân của suy giáp trong thai kỳ
Trong thời kỳ mang thai, tuyến giáp có thể thay đổi chức năng trong một giới hạn bình thường cho phép. Tuy nhiên, bạn có thể bị suy giáp nếu mới khởi phát viêm giáp Hashimoto, hay đã phát hiện suy giáp từ trước nhưng chưa điều trị đầy đủ đúng mức, hoặc đang điều trị cường giáp nhưng quá liều thuốc kháng giáp.
>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng ở người có bệnh tuyến giáp
Nguy cơ của suy giáp trong thai kỳ đối với người mẹ
Nếu trước khi mang thai, suy giáp làm giảm khả năng có thai thì ngay cả khi đã thụ thai, suy giáp vẫn có nhiều ảnh hưởng nhất định. Suy giáp trong thai kỳ làm tăng khả năng sảy thai [2], tiền sản giật (một dạng tăng huyết áp nặng và có biến chứng trong thai kỳ) [3], nhau bong non [4], thiếu máu hoặc băng huyết sau sinh [5]. Băng huyết sau sinh xảy ra ở người suy giáp do tử cung thiếu trương lực, không gò để cầm máu đúng mức sau sinh và do rối loạn các cơ chế đông máu.
Suy giáp ở người bình thường là một nguy cơ đối với trầm cảm. Ở phụ nữ mang thai, khả năng này cũng tồn tại, đưa đến rối loạn trầm cảm trong lúc mang thai hoặc trầm cảm sau sinh [6].
Suy giáp khiến mẹ bầu dễ băng huyết trong quá trình sinh nở
Nguy cơ của suy giáp trong thai kỳ đối với em bé
Các hậu quả của suy giáp trên trẻ có thể nặng nề hơn trên mẹ nếu không được điều trị đúng mức:
- Sự phát triển thần kinh: Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đối với em bé là sự phát triển hệ thần kinh không toàn diện, đưa đến nguy cơ suy giảm trí thông minh hoặc các hoạt động tâm thần vận động khác về sau [7-11].
- Sinh non: một nghiên cứu vào năm 2019 tổng hợp kết quả từ nhiều công trình cho thấy mẹ suy giáp làm con tăng nguy cơ sinh non [12]. Điều này có khả năng do không đủ hormon giáp để duy trì sự phát triển ổn định của thai kỳ.
- Suy hô hấp sơ sinh: trẻ sinh non vốn thiếu sự hoàn thiện các hệ cơ quan, ví dụ hệ hô hấp. Tuy nhiên, ở trẻ sinh non từ mẹ bị suy giáp, nguy cơ này còn tăng cao hơn, thể hiện qua việc tăng tỉ lệ suy hô hấp sơ sinh [13].
- Nhẹ cân: ngay cả khi sinh đủ tháng, trẻ sinh ra từ mẹ bị suy giáp (dù nhẹ) cũng có cân nặng lúc sinh thấp hơn và nhỏ hơn so với em bé sinh ở cùng độ tuổi thai bởi người mẹ có chức năng tuyến giáp bình thường [14].
Em bé dễ bị suy hô hấp khi mẹ mắc suy giáp thai kỳ
>> Xem thêm: Suy giáp trong thai kỳ
Cách hạn chế ảnh hưởng của suy giáp trong lúc mang thai
Nếu đã biết suy giáp từ trước, bạn nên điều trị ổn định hoặc ở mức tương đối chấp nhận được trước khi quyết định có thai. Nếu đã có thai, bạn cần tham vấn với bác sĩ về việc điều chỉnh trị liệu theo từng thời gian thai kỳ. Thông thường, liều hormon giáp trong thai kỳ sẽ cao hơn trước khi mang thai để đảm bảo đủ nhu cầu cho cả mẹ và bé. Một khi đã bắt đầu điều trị suy giáp, cần theo dõi, tái khám định kỳ theo lịch hẹn để được điều chỉnh liều thuốc kịp thời.
Nếu đã biết cường giáp từ trước và đang điều trị, bác sĩ có thể cân nhắc chỉnh liều thuốc kháng giáp để giữ cho chức năng tuyến giáp của mẹ cân bằng nhưng vẫn đảm bảo em bé không bị thiếu hormon giáp trong những tháng đầu thai kỳ.
Nếu chưa biết về tình trạng tuyến giáp của mình, ở thời điểm phát hiện có thai và trong những lần khám thai đầu tiên, bạn sẽ được xét nghiệm chức năng tuyến giáp như một đánh giá thường quy trong thai kỳ.
Tóm lại, phụ nữ mang thai suy giáp có một số nguy cơ sức khỏe nhất định cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, các ảnh hưởng này có thể được giảm thiểu bằng cách sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.diabetesendocrinology.in/thyroid/pregnancy-and-thyroid/
- Zhang Y, Wang H, Pan X, Teng W, Shan Z. Patients with subclinical hypothyroidism before 20 weeks of pregnancy have a higher risk of miscarriage: A systematic review and meta-analysis. PLoS One. 2017;12:e0175708.
- Hajifoghaha M, Teshnizi SH, Forouhari S, Dabbaghmanesh MH. Association of thyroid function test abnormalities with preeclampsia: a systematic review and meta-analysis. BMC Endocr Disord. 2022;22(1):240. Published 2022 Sep 26. doi:10.1186/s12902-022-01154-9
- Breathnach FM, Donnelly J, Cooley SM, Geary M, Malone FD. Subclinical hypothyroidism as a risk factor for placental abruption: evidence from a low-risk primigravid population. Aust N Z J Obstet Gynaecol. 2013;53(6):553-560. doi:10.1111/ajo.12131
- Tudosa R, Vartej P, Horhoianu I, Ghica C, Mateescu S, Dumitrache I. Maternal and fetal complications of the hypothyroidism-related pregnancy. Maedica (Bucur). 2010;5(2):116-123.
- Bunevicius R, Kusminskas L, Mickuviene N, Bunevicius A, Pedersen CA, Pop VJ. Depressive disorder and thyroid axis functioning during pregnancy. World J Biol Psychiatry. 2009;10(4):324-329. doi:10.3109/15622970903144038
- Abalovich M, Gutierrez S, Alcaraz G, Maccallini G, Garcia A, Levalle O. Overt and subclinical hypothyroidism complicating pregnancy. Thyroid. 2002;12:63–6.
- Man EB, Jones WS, Holden RH, Mellits ED. Thyroid function in human pregnancy, 8, Retardation of progeny aged 7 years: Relationships to maternal age and maternal thyroid function. Am J Obstet Gynecol. 1971;111:905–16.
- Haddow JE, Palomaki GE, Allan WC, Williams JR, Knight GJ, Gagnon J, et al. Maternal thyroid deficiency during pregnancy and subsequent neuropsychological development of the child. N Engl J Med. 1999;341:549–55.
- Rovet JF. Neurodevelopmental consequences of maternal hypothyroidism during pregnancy (abstract 88;annual Meeting of the American Thyroid Association) Thyroid. 2004;14:710.
- Pop VJ, Kuijpens JL, van Baar AL, Verkerk G, van Son MM, de Vijlder JJ, et al. Low maternal free thyroxine concentrations during early pregnancy are associated with impaired psychomotor development in infancy. Clin Endocrinol (Oxf) 1999;50:149–55.
- Consortium on Thyroid and Pregnancy—Study Group on Preterm Birth, Korevaar TIM, Derakhshan A, et al. Association of Thyroid Function Test Abnormalities and Thyroid Autoimmunity With Preterm Birth: A Systematic Review and Meta-analysis [published correction appears in JAMA. 2019 Nov 5;322(17):1718]. JAMA. 2019;322(7):632-641. doi:10.1001/jama.2019.10931
- Kim Y, Kim Y, Chang M, Lee B. Association between Thyroid Function and Respiratory Distress Syndrome in Preterm Infants. Pediatr Rep. 2022;14(4):497-504. Published 2022 Nov 10. doi:10.3390/pediatric14040058
- Derakhshan A, Peeters RP, Taylor PN, et al. Association of maternal thyroid function with birthweight: a systematic review and individual-participant data meta-analysis. Lancet Diabetes Endocrinol. 2020;8(6):501-510. doi:10.1016/S2213-8587(20)30061-9
VN-NONT-00051;exp:8/10/2025
- Những câu hỏi thường gặp về ung thư giáp
- Thay đổi giọng nói sau phẫu thuật tuyến giáp: Nguy cơ và cải thiện
- Điều trị ung thư giáp có ảnh hưởng khả năng sinh sản hay không?
- Suy giáp bẩm sinh: Biểu hiện, nguyên nhân và tầm soát sau sinh
- Mức độ quan trọng và thời điểm mẹ bầu cần tầm soát bệnh lý tuyến giáp
- Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu? Tiên lượng cho từng loại ung thư
- Hậu quả của suy giáp trong thai kỳ, sự ảnh hưởng và cách phòng ngừa
- Ung thư tuyến giáp nên ăn gì? Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân
- Khi nào cần tầm soát ung thư giáp? Tầm quan trọng và phương pháp
- Những câu hỏi thường gặp về suy giáp
- Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi không? Phân loại và điều trị