Suy giáp thai kỳ: Nguyên nhân, ảnh hưởng, tầm soát và điều trị

Banner Banner
Banner

Suy giáp thai kỳ: Nguyên nhân, sự ảnh hưởng, tầm soát và điều trị

Ngược với cường giáp, suy giáp xảy ra khi tuyến giáp giảm hoạt động chức năng so với thông thường. Mặc dù nguyên nhân và biểu hiện của hai tình trạng này khác nhau, chúng đều được quan tâm chú ý trong thai kỳ. Đặc biệt, suy giáp gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho em bé hơn là cho người mẹ, bởi vì hormon giáp là yếu tố để em bé phát triển hệ cơ quan đầy đủ, quan trọng nhất là hệ thần kinh.

1. Nguyên nhân mắc suy giáp thai kỳ

Nguyên nhân thường gặp nhất của suy giáp là viêm giáp Hashimoto. Đây là tình trạng tuyến giáp của bạn xảy ra hiện tượng viêm, do các kháng thể mà cơ thể sản xuất ra tấn công chính tuyến giáp. Viêm giáp Hashimoto diễn ra qua nhiều giai đoạn, tùy pha mà chức năng tuyến giáp có thể tăng hoạt (cường giáp), bình thường (bình giáp) hay suy giảm (suy giáp).

Khi mang thai đều có thể gặp một trong ba tình huống này. Bên cạnh viêm giáp Hashimoto mới khởi phát trong thai kỳ, các nguyên nhân khác gây suy giáp thai kỳ là suy giáp đã biết từ trước do nguyên nhân bất kỳ nhưng điều trị thay thế hormon chưa đầy đủ; hoặc điều trị thuốc kháng giáp trạng quá tay với bệnh nhân cường giáp do bệnh Graves.

Ước tính có khoảng 2.5% phụ nữ suy giáp nhẹ (TSH > 6 mIU/L) và 0.4% suy giáp nặng (TSH >10 mIU/L) trong lúc mang thai [1]. TSH là viết tắt của thyroid stimulating hormon, một hormon do tuyến yên sản xuất, đóng vai trò kích thích tuyến giáp hoạt động và là chỉ dấu nhạy để phát hiện sớm các bệnh lý tuyến giáp.

2. Sự ảnh hưởng của suy giáp thai kỳ

Suy giáp mang một số nguy cơ nhất định cho mẹ và bé (Hình 1). Suy giáp không điều trị, hoặc điều trị không đầy đủ làm tăng nguy cơ sảy thai, thiếu máu, bệnh cơ (đau, yếu cơ), suy tim sung huyết, tiền sản giật (huyết áp cao), bất thường nhau thai và băng huyết sau sinh đối với mẹ. Những biến chứng này tăng theo độ nặng của suy giáp.

Một số nguy cơ cũng tăng tỉ lệ thuận với nồng độ kháng thể thyroid peroxidase (TPO), dấu chứng đặc trưng của viêm giáp Hashimoto, mặc dù bệnh nhân có thể biểu hiện triệu chứng không nặng. Những phụ nữ suy giáp nhẹ thường không có triệu chứng hoặc nghĩ rằng triệu chứng bất thường của cơ thể trong giai đoạn này chỉ là thay đổi do mang thai. Như đã đề cập ở trên, suy giáp gây nhiều ảnh hưởng xấu cho con hơn là cho mẹ.

Hormon giáp là nhân tố cần thiết cho sự phát triển não của em bé. Trẻ em sinh ra với suy giáp bẩm sinh (không có tuyến giáp lúc sinh) có thể gặp các bất thường nghiêm trọng về thần kinh, nhận thức và phát triển thể chất (nhẹ cân) nếu như bệnh lý không được nhận diện và điều trị kịp thời. Nếu điều trị sớm, hầu hết các bất thường có thể được phòng ngừa hiệu quả.

Do đó, hiện nay, ở nhiều bệnh viện sản khoa tại Việt Nam, trẻ mới sinh đều được lấy máu gót chân để xét nghiệm, tầm soát bệnh lý suy giáp bẩm sinh nhằm can thiệp sớm nhất có thể nếu cần. Ngoài trường hợp trẻ bị bất thường không có tuyến giáp kể trên, nguyên nhân khác dẫn đến hậu quả tương tự là mẹ bị suy giáp thai kỳ.

>> Xem thêm: Suy giáp - Nguy cơ biến chứng tim mạch

3. Khi nào cần tầm soát suy giáp cho sản phụ

Trong khoảng ba tháng đầu thai kỳ, tuyến giáp của trẻ chưa phát triển, vì vậy tất cả nguồn hormon giáp cần thiết đều do mẹ truyền sang. Nếu mẹ bị suy giáp trong lúc này, cả mẹ và bé đều thiếu hormon giáp.

Mặc dù chưa có đồng thuận chính thức về việc tầm soát chức năng tuyến giáp cho tất cả phụ nữ mang thai, Hiệp hội Tuyến giáp Hoa Kỳ (American Thyroid Association – ATA) khuyến cáo nên kiểm tra TSH ngay khi bước vào thai kỳ với những phụ nữ có nguy cơ bệnh lý tuyến giáp cao.Chẳng hạn như:

Người có tiền sử bệnh tuyến giáp (bất kể cường giáp hay suy giáp), kể cả đã điều trị, tiền sử gia đình bệnh tuyến giáp tự miễn, tiền sử bản thân có bệnh lý tự miễn khác (ví dụ đái tháo đường tuýp 1, bệnh Addison,...)

  • Tiền sử sảy thai, sinh non.
  • Người có bướu giáp, mặc dù xét nghiệm chức năng tuyến giáp trước khi mang thai cho kết quả bình thường.
  • Người hơn 30 tuổi, đã mang thai 2 lần trở lên, béo phì nặng.
  • Người sử dụng một số thuốc như amiodarone hay chụp cản quang gần đây, và những người sống ở vùng dịch tễ thiếu iod trung bình-nặng [2].

Xét nghiệm TSH này không những giúp tầm soát suy giáp mà còn phát hiện sớm cường giáp nếu có. Phụ nữ nếu đã biết suy giáp từ trước dĩ nhiên cần theo dõi chức năng tuyến giáp định kỳ trong lúc mang thai, ít nhất là mỗi 4 tuần.

Một số ảnh hưởng chính của suy giáp thai kỳ lên mẹ và bé

Một số ảnh hưởng chính của suy giáp thai kỳ lên mẹ và bé

4. Khi nào cần điều trị suy giáp thai kỳ

Không phải tất cả trường hợp suy giáp thai kỳ đều cần điều trị. Nếu bạn suy giáp nặng (TSH ≥10 mIU/L), điều trị thay thế hormon giáp là chắc chắn. Tuy nhiên, nếu suy giáp ở mức độ nhẹ hơn (2.5-10 mIU/L), việc điều trị hoặc cân nhắc điều trị còn phụ thuộc vào cả mức tăng của TSH lẫn nồng độ kháng thể thyroid peroxidase (TPO-Ab).

Với người đã biết suy giáp từ trước, thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định tăng liều hormon giáp đang dùng thêm khoảng 20-30% khi bạn xác nhận bắt đầu có thai để đảm bảo đủ nhu cầu cho cả mẹ và bé. Sau sinh, liều điều trị có thể quay về mức ban đầu như trước khi mang thai. Cần chú ý rằng các thực phẩm bổ sung thường dùng trong thai kỳ chứa sắt và calci có thể cản trở sự hấp thu hormon giáp khi bạn uống vào, do vậy chúng nên được dùng cách xa nhau ít nhất 4 tiếng.

Tóm lại, suy giáp thai kỳ cần được nhận diện và điều trị sớm để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và đặc biệt là sự phát triển thể chất, trí tuệ bình thường cho em bé.

>> Xem thêm: Biểu hiện của suy giáp bẩm sinh, nguyên nhân và sàn lọc

    

Tài liệu tham khảo:

  1.  https://www.thyroid.org/hyperthyroidism-in-pregnancy/
  2.  Erik K. Alexander, Elizabeth N. Pearce, et al (2017), “2017 Guidelines of the American Thyroid Association for the Diagnosis and Management of Thyroid Disease During Pregnancy and the Postpartum”, Thyroid, 27(3): pp.315-389

VN-NONT-00075;exp:18/12/2025

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.