8 nguyên nhân gây suy giáp phổ biến cần phòng ngừa

Banner Banner
Banner

8 nguyên nhân gây suy giáp phổ biến mà bệnh nhân cần phòng ngừa

Suy giáp là một hội chứng lâm sàng xảy ra khi hormon giáp không đủ cho nhu cầu của cơ thể. Có nhiều nguyên nhân gây suy giáp sau đây [1]:

1. Viêm giáp Hashimoto

Hệ miễn dịch của bạn được thiết kế để chống lại vi khuẩn, virus và các tác nhân khác từ bên ngoài xâm nhập vào. Khi chúng tấn công cơ thể, hệ miễn dịch gửi các tế bào với khả năng tiêu diệt đến để phòng vệ. Thỉnh thoảng, hệ miễn dịch nhầm lẫn những tế bào bình thường của cơ thể với vật ngoại lai. Hiện tượng này gọi là tự miễn, nghĩa là hệ miễn dịch tự chống lại cơ thể của chúng ta. Nếu đáp ứng miễn dịch sai lệch này không được kiểm soát, nhiều cơ quan khắp các vị trí có thể bị tổn thương. 

Có khoảng 100 bệnh tự miễn đã được phát hiện (Hình 1) [2]. Những bệnh phổ biến là đái tháo đường tuýp 1, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp vảy nến, đa xơ cứng, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh ruột viêm, bệnh Celiac, bệnh Addison, bệnh Graves, viêm giáp Hashimoto, hội chứng Sjogren, nhược cơ, viêm mạch máu tự miễn, bạch biến, viêm gan tự miễn và thiếu máu ác tính.

Cùng với bệnh Graves, viêm giáp Hashimoto là hai tình trạng tự miễn thường gặp tại tuyến giáp. Trong khi bệnh Graves gây hội chứng cường giáp, viêm giáp Hashimoto cuối cùng thường dẫn đến suy giáp (ngoại trừ giai đoạn đầu có thể biểu hiện giống cường giáp). Viêm giáp Hashimoto là nguyên nhân gây suy giáp thường gặp nhất.

Bệnh thường xảy ra ở phụ nữ tuổi trung niên, tuy nhiên nam giới, trẻ em hoặc người già vẫn có thể gặp. Bệnh có xu hướng xảy ra trong cùng gia đình. Nói cách khác, nếu bạn có người nhà mắc viêm giáp Hashimoto, bạn có khả năng mắc cao hơn bình thường.

Một số bệnh tự miễn thường gặp
Hình 1: Một số bệnh tự miễn thường gặp [2]

>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng ở người có bệnh tuyến giáp

2. Sau điều trị cường giáp

Có ba phương pháp điều trị cường giáp là thuốc kháng giáp, iod phóng xạ và phẫu thuật cắt tuyến giáp (Hình 2) [3]. Trong khi mục đích của thuốc kháng giáp là đưa bệnh nhân về bình giáp (chức năng bình thường) thì iod phóng xạ và phẫu thuật lại nhằm tiêu diệt hẳn tuyến giáp.

Lý do là vì khi dùng iod phóng xạ hoặc phẫu thuật để loại bỏ tuyến giáp, bác sĩ đang chuyển từ một bệnh khó kiểm soát (cường giáp) sang một bệnh dễ điều trị và kiểm soát hơn (suy giáp). Nên nhớ rằng, việc kiểm soát một tuyến giáp đang tăng hoạt động nhằm hạn chế tác động lên hệ tim mạch, xương khớp khó hơn nhiều so với việc bổ sung hormone giáp. Nói cách khác, bác sĩ chủ ý đưa bệnh nhân về trạng thái suy giáp trong hai tình huống này. Chỉ một số ít trường hợp cắt một phần tuyến giáp, bệnh nhân có thể vẫn còn đủ lượng hormone (bình giáp).

Điều trị cường giáp
Hình 2: Điều trị cường giáp [3]

 

3. Sau điều trị ung thư giáp hay ung thư đầu cổ

Hiện tượng tương tự cũng gặp ở bệnh nhân điều trị ung thư giáp bằng phẫu thuật. Khi tuyến giáp đã bị cắt bỏ hoàn toàn, cơ thể gần như không còn sản xuất được hormone giáp nữa.

Bạn cũng tăng nguy cơ suy giáp nếu có tiền sử xạ trị các cơ quan lân cận. Tình huống này thường gặp khi bác sĩ chỉ định xạ trị để điều trị một số ung thư vùng đầu cổ, ung thư hạch hay bệnh bạch cầu. Tia xạ lúc này có thể tác động đến cả tuyến giáp, gây suy giáp.

4. Thuốc

Ngoài thuốc kháng giáp (thường chỉ gây suy giáp nếu dùng quá liều), nhiều thuốc dùng trong những bệnh khác cũng có thể gây suy giáp. Bao gồm, một số thuốc thuộc nhóm thuốc điều trị rối loạn lưỡng cực, điều hòa miễn dịch, điều trị ung thư da, chống loạn nhịp, kháng HIV.

5. Thiếu iod

Iod là nguyên liệu cần để tổng hợp hormone giáp. Do vậy, thiếu iod kéo dài làm cơ thể không tổng hợp đủ hormone giáp, gây suy giáp. Tuy nhiên, nguyên nhiên này gần như ít gặp ngày nay, ngoại trừ một số vùng sâu xa trên thế giới. Với chương trình bổ sung muối iod từ hàng chục năm nay, Việt Nam gần như không còn gặp suy giáp do thiếu iot. Ngoài hội chứng suy giáp, người thiếu iot thường biểu hiện bởi một bướu giáp.

6. Bệnh lý tuyến yên

Tuyến yên là trung tâm đầu não, kiểm soát hoạt động nhiều tuyến nội tiết, trong đó có tuyến giáp. Nếu tuyến yên bị rối loạn, quá trình sản xuất của tuyến giáp cũng có thể bị ảnh hưởng. Trường hợp này gọi là suy giáp thứ phát, phân biệt với suy giáp nguyên phát (do tổn thương trực tiếp tại tuyến giáp). Một số bệnh lý tuyến yên gây suy giáp là: u tuyến yên (chèn ép, ảnh hưởng tín hiệu điều hòa tuyến giáp), sau khi phẫu thuật hay xạ trị tuyến yên, dùng thuốc ức chế hoạt động tuyến yên (dopamine, opioid). Nữ giới có thể gặp hội chứng Sheehan. Đây là tình huống khi tuyến yên bị hoại tử do thiếu oxy khi người phụ nữ bị băng huyết sau sinh và mất quá nhiều máu.

7. Suy giáp sơ sinh

Suy giáp bẩm sinh gặp ở khoảng 1 trên mỗi 2000-4000 trẻ sinh ra [4]. Bệnh lý này xảy ra khi có trục trặc của quá trình hình thành tuyến giáp em bé từ trong bào thai. Một số trẻ không biểu hiện triệu chứng, số khác có thể gặp vấn đề với việc bú sữa, thường khóc thét nhiều hơn hay gặp các biến chứng sớm sau sinh. Việc tầm soát suy giáp sơ sinh ngày nay khá hiệu quả. Bé sẽ được lấy máu xét nghiệm chức năng tuyến giáp vào thời điểm 48 giờ sau sinh. Nếu được phát hiện và bổ sung hormon giáp sớm, trẻ sẽ phát triển như bình thường.

8. Các dạng viêm giáp khác

Ngoài viêm giáp Hashimoto, nhiều dạng viêm giáp khác đều có thể gây tổn thương tuyến giáp, dẫn đến suy giáp. Khoảng 5-10% phụ nữ bị viêm giáp sau sinh [5]. Cơ chế chưa rõ, nhưng có thể liên quan rối loạn miễn dịch. Một số bệnh nhân chỉ suy giáp thoáng qua và sau đó hồi phục hoàn toàn. Một số người khác sẽ bị suy giáp vĩnh viễn.

Viêm giáp De Quervain (viêm giáp bán cấp) xảy ra sau một nhiễm trùng hô hấp trên. Cơ chế được cho là do nhiễm virus gây kích hoạt miễn dịch, phá hủy tuyến giáp. Tình trạng này thường gặp trong mùa hè-thu khi các siêu vi hô hấp phát triển mạnh. Nữ giới dễ mắc hơn nam giới. Khác với viêm giáp Hashimoto hay viêm giáp sau sinh thường không đau, viêm giáp bán cấp biểu hiện bởi đau vùng cổ trước tuyến giáp, có thể lan lên hàm hay cằm. Một số cảm thấy tương tự đau họng.

Tuyến giáp thường sưng to, đau, sờ vào thấy nóng. Bệnh nhân kèm sốt, mệt mỏi. Giai đoạn đầu kéo dài 2-8 tuần, khi tuyến giáp bị phát hủy, hormone giáp được phóng thích ra, bệnh nhân biểu hiện hội chứng cường giáp. Phần lớn sẽ hồi phục về bình giáp sau đó. Tuy nhiên, một số ít người tiến triển thành suy giáp vĩnh viễn nếu mô giáp bị phá hủy quá nhiều.

Tóm lại, suy giáp là hội chứng lâm sàng xảy ra do nhiều nguyên nhân như viêm giáp Hashimoto hoặc các dạng viêm giáp khác, sau điều trị iod phóng xạ hoặc phẫu thuật tuyến giáp, do thuốc, tiền sử xạ trị vùng đầu cổ, bệnh lý tuyến yên và suy giáp sơ sinh.

>> Xem thêm: Suy giáp và biến chứng tim mạch

 

Tài liệu tham khảo

 

  1. https://www.healthline.com/health/hypothyroidism/symptoms-treatments-more#cause
  2. https://www.drionelahubbard.com/condition/autoimmune-diseas
  3. https://www.everydayhealth.com/hyperthyroidism/guide/treatment
  4. https://medlineplus.gov/genetics/condition/congenital-hypothyroidism
  5. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK519536/

 

VN_GM_CV_160 Exp:30/6/2024

 

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.