Rối loạn tuyến giáp trong thai kỳ là gì? Cường giáp và suy giáp thai kỳ
Bảng tỷ lệ mắc các bệnh đi kèm ở bệnh nhân suy giáp
Bệnh rối loạn tuyến giáp là gì?
Tuyến giáp là cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất hormon giáp. Hormone giáp kiểm soát các quá trình chuyển hóa của bạn. Thai kỳ là giai đoạn có nhiều sự thay đổi trong cơ thể, bao gồm tuyến giáp. Bệnh lý tuyến giáp gồm nhiều nhóm: rối loạn chức năng, bướu giáp, nhân giáp, ung thư giáp. Bài viết này tập trung vào rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ. Chúng bao gồm cường giáp và suy giáp.
Rối loạn chức năng tuyến giáp trong thai kỳ nguyên nhân từ sự thay đổi trong cơ thể
1. Vai trò của hormon giáp trong thai kỳ
Bên cạnh chức năng như ở phụ nữ thông thường, hormon giáp trong thai kỳ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của em bé. Trong tam cá nguyệt thứ nhất (ba tháng đầu), thai nhi chưa có tuyến giáp. Lúc này, bé hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn hormone giáp của mẹ. Hormone giáp được vận chuyển qua nhau thai. Khoảng tuần thứ 12, tuyến giáp trẻ bắt đầu tự hoạt động. Tuy nhiên, phải đến tuần 18-20 thì chức năng tuyến giáp của trẻ mới hoàn thiện. Vậy hội chứng rối loạn tuyến giáp ở trẻ em có xảy ra hay không?
Hình 1: Trước tuần 18, thai nhi phụ thuộc vào nguồn hormone giáp của mẹ [1]
Bình thường, hai hormone trong thai kỳ là hCG và estrogen làm tăng nồng độ hormone giáp. Tuyến giáp có thể lớn nhẹ nhưng ít khi đủ để phát hiện khi khám. Đây là các quá trình sinh lý bình thường. Rối loạn hormon tuyến giáp trong thai kỳ khó chẩn đoán hơn lúc không mang thai vì bác sĩ còn phải cân nhắc cả các thay đổi sinh lý bình thường khi mang thai.
>> Xem thêm: Ung thư tuyến giáp, nguyên nhân, dấu hiệu, triệu chứng
2. Cường giáp trong thai kỳ
Triệu chứng của cường giáp trong thai kỳ là gì?
Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp tăng hoạt động sản xuất hormone. Triệu chứng tương tự như ở người không mang thai, bao gồm: Nhịp tim nhanh, hồi hộp, đánh trống ngực, run tay, sợ nóng, tay ấm ẩm, sụt cân hoặc tăng cân ít hơn so với mức mong đợi trong thai kỳ, bồn chồn, kích động.
Nguyên nhân của cường giáp trong thai kỳ là gì?
Nguyên nhân thường gặp nhất của cường giáp trong thai kỳ là bệnh Graves. Hội chứng này gặp ở 1-4 trường hợp trên mỗi 1000 thai kỳ tại Hoa Kỳ [2]. Đây là một bệnh lý tự miễn. Cơ thể sản xuất ra tự kháng thể tác động vào tuyến giáp (TSH receptor antibody – TRAb). Kháng thể này có ba dạng: Kích thích, ức chế và trung tính. Loại kích thích (gọi là thyroid stimulating immunoglobulin – TSH) sẽ kích hoạt tuyến giáp sản xuất hormone nhiều hơn, dẫn đến bệnh Graves.
Bệnh có thể đã biết từ trước khi mang thai hoặc xuất hiện lần đầu trong thai kỳ. Tam cá nguyệt đầu tiên là thời điểm khởi phát thường gặp nhất. Triệu chứng có xu hướng cải thiện khi sang đến tam cá nguyệt hai, ba. Lý do là vì hệ miễn dịch ở hai thời điểm này ít hoạt động hơn, nhờ vậy bệnh có thể tự thuyên giảm một phần. Tuy nhiên, sau sinh vài tháng lại là thời điểm bệnh có thể hoạt động trở lại do nồng độ kháng thể tăng.
Không những gây bệnh Graves ở mẹ, các tự kháng thể TSI này có thể qua nhau thai và trực tiếp kích thích tuyến giáp của bé. Do vậy, nếu không điều trị, trẻ sinh ra cũng có thể bị cường giáp sơ sinh (Hình 2) [3].
Hình 2: Cường giáp sơ sinh do bệnh Graves ở mẹ không điều trị [3]
Cường giáp trong thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?
Cường giáp trong thai kỳ nếu không điều trị đúng mức có thể dẫn đến: Tiền sản giật, suy tim sung huyết, bão giáp (mẹ), sảy thai, sinh non, trẻ nhẹ cân (con).
Cường giáp trong thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?
Các dấu hiệu của cường giáp sơ sinh là nhịp tim nhanh, suy tim sớm khi mới sinh, thóp đóng sớm, khó tăng cân, kích thích, quấy khóc nhiều. Thỉnh thoảng tuyến giáp có thể to, đè vào khí quản của trẻ làm trẻ thở khó khăn hơn.
Bác sĩ chẩn đoán cường giáp trong thai kỳ như thế nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp (TSH, T4) là cần thiết để xác nhận chẩn đoán cường giáp. Ngoài ra, siêu âm tuyến giáp và xét nghiệm kháng thể có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân cường giáp (phần lớn là bệnh Graves).
Bác sĩ điều trị cường giáp trong thai kỳ như thế nào?
Trong thai kỳ, điều trị được chỉ định phù hợp nhất là thuốc kháng giáp bởi vì ít nguy cơ ảnh hưởng đến mẹ và bé. Iod phóng xạ không phù hợp với thai kỳ vì gây phá hủy tuyến giáp của bé và có thể ảnh hưởng cả sự hình thành, phát triển các cơ quan khác. Phẫu thuật chỉ được tiến hành ở số ít trường hợp, khi mà bạn không đáp ứng với thuốc kháng giáp hay bị dị ứng thuốc. Nếu cần phải phẫu thuật, tam cá nguyệt thứ hai là thời điểm bác sĩ cân nhắc chỉ định.
Thuốc kháng giáp có thể đi qua nhau thai. Thuốc sẽ ức chế, làm giảm lượng hormone mà tuyến giáp mẹ và bé sản xuất ra. Ngoài ra, thuốc kháng giáp có hoạt tính điều hòa miễn dịch. Do vậy, thuốc làm giảm lượng tự kháng thể có hại. Nguyên tắc dùng là liều thấp nhất mà vẫn kiểm soát được bệnh. Thông thường, bác sĩ giữ cho mẹ ở trạng thái cường giáp nhẹ vì mức này tương ứng với tình trạng bình giáp ở con, tránh cho trẻ bị suy giáp. Loại thuốc kháng giáp dùng ở tam cá nguyệt đầu có thể khác với loại dùng ở hai tam cá nguyệt sau. Điều này được bác sĩ tùy chỉnh để giảm nguy cơ tác dụng phụ.
>> Xem thêm: Cách phòng ngừa ung thư tuyến giáp
3. Suy giáp trong thai kỳ
Triệu chứng của suy giáp trong thai kỳ là gì?
Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp giảm hoạt động sản xuất hormone. Triệu chứng tương tự như ở người không mang thai, bao gồm: mệt mỏi, sợ lạnh, chậm chạp, táo bón, giảm trí nhớ, kém tập trung, tăng cân ít hơn so với mong đợi trong thai kỳ. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp là suy giáp nhẹ và không biểu hiện rõ triệu chứng. Triệu chứng của suy giáp thường mơ hồ, dễ nhầm với thay đổi cơ thể do mang thai.
Nguyên nhân của suy giáp trong thai kỳ là gì?
Viêm giáp Hashimoto là nguyên nhân thường gặp nhất của suy giáp trong thai kỳ. Bệnh gặp với tần suất 2-3 trường hợp mỗi 100 thai kỳ [2]. Đây cũng là một bệnh tự miễn, trong đó cơ thể sản xuất tự kháng thể. Khác với bệnh Graves, loại kháng thể này (gọi là TPOAb) tấn công, phá hủy tuyến giáp. Một số phụ nữ hồi phục về bình giáp, một số khác trở thành suy giáp vĩnh viễn.
Suy giáp trong thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và bé như thế nào?
Suy giáp trong thai kỳ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non, thiếu máu, tiền sản giật. Quan trọng hơn, thiếu hormon giáp ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của trẻ. Do vậy, trong thai kỳ, suy giáp đôi khi được xử trí với thái độ tích cực hơn cường giáp.
Sự ảnh hưởng của suy giáp thai kỳ lên sản phụ và em bé
Bác sĩ chẩn đoán suy giáp trong thai kỳ như thế nào?
Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng. Xét nghiệm chức năng tuyến giáp (TSH, T4) là cần thiết để xác nhận chẩn đoán suy giáp. Ngoài ra, siêu âm tuyến giáp và xét nghiệm kháng thể có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân suy giáp (phần lớn là viêm giáp Hashimoto).
Bác sĩ điều trị suy giáp trong thai kỳ như thế nào?
Điều trị suy giáp chủ đạo là bổ sung lượng hormon bị thiếu. Trong thai kỳ, lượng thuốc này phải đủ bù cho cả mẹ lẫn bé. Do vậy, liều hormon giáp để điều trị suy giáp trong thai kỳ thường cao hơn 30-50% so với liều ở người không mang thai [2]. Mặc dù có hai loại chế phẩm hormone giáp là T3 và T4, chỉ có T4 được dùng trong thai kỳ. Thứ nhất, các tinh chất tuyến giáp động vật chứa cả T3 và T4 thường có tỉ lệ không phù hợp với người. Những sản phẩm này có ít T4 và nhiều T3 hơn sinh lý. Thứ hai, chỉ có T4 đi vào được não của bé để kích thích sự phát triển não bộ và hệ thần kinh. T3 không làm được vai trò này.
Tóm lại, hai dạng rối loạn chức năng tuyến giáp khi mang thai là cường giáp và suy giáp đều có thể gặp trong thai kỳ. Việc nhận diện, chẩn đoán và điều trị kịp thời giúp ổn định sức khỏe cho mẹ và thai.
>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng ở người có bệnh tuyến giáp
Tài liệu tham khảo:
- López-Muñoz E, Mateos-Sánchez L, Mejía-Terrazas GE, Bedwell-Cordero SE. Hypothyroidism and isolated hypothyroxinemia in pregnancy, from physiology to the clinic. Taiwan J Obstet Gynecol. 2019;58(6):757-763
- Alexander EK, Pearce EN, Brent GA, et al. 2017 guidelines of the American Thyroid Association for the diagnosis and management of thyroid disease during pregnancy and the postpartum. Thyroid. 2017;27(3):315–389
- https://www.gertitashkomd.com/blog/2017/2/6/hyperthyroidism-in-the-womb-a-rare-case
VN_GM_THY_165;exp:30/8/2024