Các biểu hiện phổ biến của bệnh suy giáp

Banner Banner
Banner

Triệu chứng lâm sàng của suy giáp

Suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone theo nhu cầu cơ thể. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giáp như viêm giáp, sau cắt tuyến giáp. Dù nguyên nhân nào, bệnh nhân cũng thường có các biểu hiện giống nhau. Triệu chứng suy giáp thường xuất hiện chậm dần theo thời gian. Chúng được gọi chung là hội chứng suy giáp.

Biểu hiện của suy giáp là gì?

 
Các biểu hiện có thể gặp của suy giáp là [1]:
- Mệt mỏi
- Tăng cân
- Táo bón
- Cảm thấy lạnh thường xuyên, không chịu được lạnh
- Da khô
- Tóc giòn, dễ gãy rụng, lông mày thưa
- Móng tay giòn, mỏng
- Sưng nề vùng mặt, đặc biệt quanh hốc mắt
- Sưng cẳng chân
- Rối loạn kinh nguyệt (cường kinh, rong kinh)
- Giảm ham muốn tình dục
- Giọng nói thô, khàn hơn
- Nhịp tim chậm
- Tăng huyết áp
- Giảm trí nhớ, kém tập trung
- Dễ lo âu, trầm cảm
- Ngoài ra nếu xét nghiệm máu, bạn có thể phát hiện rối loạn lipid máu.

 Những biểu hiện của hội chứng suy giáp được minh họa trong hình dưới đây (Hình 1) [2].

 

Hội chứng suy giáp
Hình 1: Hội chứng suy giáp [2]

>> Xem thêm: Suy giáp: Triệu chứng, đối tượng mắc bệnh và chế độ dinh dưỡng

Tại sao suy giáp gây tăng cân?

 

Hormone giáp đóng vai trò điều hòa quá trình chuyển hóa năng lượng của cơ thể. Khi suy giáp, cơ thể thiếu hormone giáp, làm quá trình này chậm lại. Năng lượng dư thừa không được tiêu đốt mà tích trữ lại, gây tăng cân. Đây cũng là lý do gây cảm giác lạnh thường trực. Sự tăng cân thường không quá lớn (~2-5 kg) nhưng có thể ảnh hưởng đển sự tự tin về ngoại hình của bạn. 

 

Tại sao suy giáp gây sưng phù vùng mặt và chân?

 

Hyaluronic acid là một chất do cơ thể sinh ra. Chất hóa học này có tác dụng giữ nước lại trong mô. Nó cũng thường được dùng trong ngành mỹ phẩm để giúp duy trì độ ẩm, tạo nên làn da căng bóng. Hyaluronic acid bình thường được điều hòa chuyển hóa bởi hormone giáp. Khi suy giáp, các phân tử này tích tụ lại ở mô dưới da. Đặc biệt, hyaluronic acid tập trung nhiều tại vùng mặt và cẳng chân, gây triệu chứng nói trên. 

 

Suy giáp có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

 

Ở nữ, thiếu hormone giáp ảnh hưởng đến sự rụng trứng và khả năng làm tổ của phôi (Hình 2) [3]. Ngay cả sau khi phôi làm tổ, bệnh nhân suy giáp cũng khó duy trì được tình trạng phôi ổn định. Nói cách khác, suy giáp làm tăng khả năng sảy thai. Ở nam, suy giáp gây giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, giảm hoạt động chức năng tinh hoàn, rối loạn cương và giảm ham muốn tình dục. Do đó, suy giáp có nguy cơ gây vô sinh, hiếm muộn ở cả hai giới [4].

 

Chức năng tuyến giáp có liên quan đến chức năng sinh sản
Hình 2: Chức năng tuyến giáp có liên quan đến chức năng sinh sản [3]

 

Sau khi điều trị bao lâu thì các triệu chứng suy giáp cải thiện?

 

Người bệnh suy giáp sẽ được bác sĩ chỉ định bổ sung hormone giáp thay thế. Ngoài việc thăm khám triệu chứng, bác sĩ còn dựa vào một xét nghiệm là TSH để đánh giá hiệu quả điều trị. Những triệu chứng của thiếu năng lượng, mệt mỏi có thể sớm cải thiện sau khoảng 2 tuần. Tuy nhiên, các thay đổi mạn tính như sưng nề da, thay đổi lông tóc có thể cần đến 3-6 tháng để hồi phục kể từ khi nồng độ TSH trở về bình thường [5]. Trừ một số trường hợp suy giáp thoáng qua có thể điều trị ngắn hạn, đa phần người bệnh suy giáp cần dùng hormone giáp kéo dài suốt đời. Vì vậy, việc kiên nhẫn tuân thủ điều trị là điều cần thiết. Nếu bỏ trị, hội chứng suy giáp sẽ tái phát.

Tóm lại, hội chứng suy giáp có nhiều biểu hiện đa dạng trên các cơ quan khác nhau. Những dấu hiệu này là hậu quả của thiếu hormone giáp. Các triệu chứng có thể cải thiện sau khi điều trị bổ sung hormone giáp đúng mức. 

>> Xem thêm: Suy giáp - Nguy cơ biến chứng tim mạch

 

Tài liệu tham khảo

  1. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/12120-hypothyroidism
  2. https://ecosh.com/underactive-thyroid-hypothyroidism-symptoms-causes-risk-groups-and-treatment/
  3. https://modernfertility.com/blog/thyroid/
  4. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/female-infertility/expert-answers/hypothyroidism-and-infertility/faq-20058311
  5. Jonklaas  J , Bianco  AC , Bauer  AJ ,  et al; American Thyroid Association Task Force on Thyroid Hormone Replacement.  Guidelines for the treatment of hypothyroidism: prepared by the American Thyroid Association Task Force on Thyroid Hormone Replacement. Thyroid. 2014;24(12):1670-1751

 

VN_GM_CV_215; EXP: 30/6/2024 

Copyrights © 2025 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.