Thành phần dinh dưỡng bữa ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Dinh dưỡng là nền tảng quan trọng trong điều trị đái tháo đường bởi vì chế độ ăn liên hệ trực tiếp đến đường huyết của bạn [1].
Nguyên tắc cơ bản trong thành phần dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường
Mặc dù bạn cần ít nhiều tiết chế dinh dưỡng, bữa ăn của bạn vẫn phải đảm bảo đủ chất và lượng. Nếu dư thừa số lượng, đường huyết có khả năng tăng cao. Nếu giảm số lượng nhưng không cung cấp đủ chất, bạn có thể bị thiếu một số dưỡng chất nhất định. Các bữa ăn cần được điều chỉnh để hạn chế việc tăng đường huyết sau ăn và không làm hạ đường huyết xa bữa ăn. Nói cách khác, chế độ dinh dưỡng hợp lý mang lại sự ổn định đường huyết.
Mọi sự thay đổi đều cần thời gian thích nghi. Do vậy, không nên thay đổi quá nhanh và quá nhiều về khẩu phần ăn. Các thực phẩm được lựa chọn nên phù hợp với sở thích cá nhân và sự sẵn có tại địa phương, không nhất thiết phải là nguyên vật liệu đắt tiền hoặc dành riêng cho người đái tháo đường. Những nguyên liệu phổ biến nếu được phối hợp và chế biến đúng cách vẫn phù hợp cho đa số bệnh nhân.
Bên cạnh dinh dưỡng, bạn cần duy trì song song hoạt động thể lực nhằm kiểm soát cân nặng. Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp hay rối loạn lipid máu cũng cần được quản lý thích hợp.
Kiểm soát cân nặng
![]() |
Chế độ ăn tác động trực tiếp tới cân nặng. Nếu bạn đang thừa cân, béo phì, cần thâm hụt năng lượng (năng lượng ăn vào nhỏ hơn năng lượng tiêu hao) để có thể giảm cân. Giảm cân, hay chính xác hơn là giảm mỡ, giúp cải thiện đề kháng insulin vì mô mỡ là nơi tiết ra các hormone dẫn đến hiện tượng này. Cân nặng lý tưởng của một người (tính theo kilogram) có thể được tính bằng công thức: chiều cao (tính theo mét) x chiều cao (tính theo mét) x 22. Ngoài ra, lượng mỡ cơ thể có tương quan rõ với vòng eo của bạn. Theo hướng dẫn, nam giới nên giữ vòng eo < 90cm và nữ giới nên giữ vòng eo < 80 cm [1]. |
>> Xem thêm: Xây dựng thực đơn 7 ngày cho người đái tháo đường hiệu quả
Trong khi đó, bệnh nhân đái tháo đường gầy yếu cần tăng năng lượng để cải thiện khối cơ. Tăng cơ cũng giúp giảm đề kháng insulin, giảm đường huyết vì mô cơ là nơi sử dụng đường hiệu quả.
Tổng năng lượng mà bạn cần cung cấp hàng ngày có thể rơi vào khoảng 20-30 kcal/kg cân nặng lý tưởng. Tính đến cả năng lượng tiêu hao cho hoạt động trong ngày, con số nói trên có thể giúp bạn đạt thâm hụt năng lượng để quản lý cân nặng tốt hơn.
Nguồn cung cấp thành phần dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường
Carbohydrate
Carbohydrate thường được gọi là chất đường bột. Như tên gọi, có hai dạng chính là tinh bột (trong ngũ cốc, rau củ) và đường (trong đường gia vị nấu ăn, mật ong, trái cây, bánh kẹo). Chúng nên chiếm khoảng 50-60% tổng năng lượng mỗi ngày. Mặc dù đường bột là nguồn nguyên liệu chính làm tăng đường huyết nhưng việc giảm tinh bột quá mức sẽ không có lợi. Ví dụ, một số vi chất có trong ngũ cốc, tinh bột vẫn cần thiết cho cơ thể. Thứ hai, khi không được cung cấp đủ năng lượng từ tinh bột, cơ thể bạn bắt đầu tiêu thụ chất béo để lấy năng lượng. Chất béo khi ly giải nhiều vượt quá khả năng chuyển hóa của cơ thể sẽ tạo ra thể ceton, nếu tích tụ lượng lớn có thể gây nguy hiểm. Thứ ba, một số cơ quan như não chỉ sử dụng năng lượng từ glucose. Do đó, tinh bột được xem là nguồn năng lượng quan trọng cho não. Cuối cùng, những bệnh nhân đang được điều trị với insulin hay các thuốc viên có khả năng hạ đường huyết vẫn cần nạp một lượng tinh bột nhất định để tránh hạ đường huyết sau khi dùng thuốc. Do đó, bác sĩ khuyên bạn vẫn cần sử dụng ít nhất 130g carbohydrate/ngày.
Vậy 130g carbohydrate tương ứng như thế nào. Một số ví dụ sau đây sẽ cho bạn hình dung về hàm lượng tinh bột có trong thực phẩm (Hình 1-6) [2].






>> Xem thêm: Những loại rau củ người đái tháo đường không nên ăn và nên ăn
Nhìn chung, bữa ăn của bạn nên sử dụng các thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau, đậu, các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt/gạo lật, khoai củ, bánh mì đen, hoa quả ít ngọt. Nên hạn chế các thức ăn chứa nhiều đường như bánh kẹo, mứt sấy khô, mật ong, hoa quả ngọt như mít, đu đủ, xoài.
Bạn cũng cần học nhận biết về chỉ số đường huyết và tải đường huyết. Một cách ngắn gọn, chỉ số đường huyết của một loại thực phẩm càng cao thì khả năng làm tăng đường huyết sau ăn càng mạnh, Vì vậy, bạn nên hạn chế sử dụng các thực phẩm tăng đường huyết nhanh như: khoai lang nướng, bánh mì trắng, bột dong, đường kính, mật ong. Nên chọn các thực phẩm tăng đường huyết trung bình-thấp và tăng cường sử dụng rau xanh trong bữa ăn hàng ngày.
Lipid cần thiết để hấp thu vitamin, đồng thời cũng được sử dụng như một nguồn cung cấp năng lượng hiệu quả. Vì vậy, tránh ăn quá nhiều chất béo nếu bạn cần kiểm soát cân nặng. Chất béo nên chiếm khoảng 20-25% tổng năng lượng hàng ngày. Dựa vào nguồn gốc, có hai loại chính là chất béo động vật và thực vật. Chất béo động vật (thường là dạng bão hòa) có trong thịt mỡ, mỡ cá, bơ, sữa, phô mai, lòng đỏ trứng. Chất béo thực vật (thường là dạng không bão hòa) có trong dầu thực vật, đậu phộng, vừng, hạt dẻ, chocolate. Ngoải ra, tinh bột và đạm cũng có thể được chuyển hóa một phần thành chất béo. Bởi vì chất béo bão hòa ít có lợi cho sức khỏe, bạn nên giới hạn việc sử dụng chúng bằng việc sử dụng dầu thực vật thay vì mỡ hoặc các chế phẩm động vật. Hạn chế đồ ăn chiên rán, đặc biệt các món chiên ngập dầu. Có thể thay cách chế biến bằng hấp, luộc hoặc nướng. |
|
Protein
Chất đạm cần thiết để xây dựng khối cơ và tạo nên các protein khác nhau trong cơ thể. Chất đạm nên chiếm khoảng 15-20% tổng năng lượng hàng ngày. Lượng đạm ăn vào chỉ giới hạn trong trường hợp có bệnh thận mạn. Lúc này, nhu cầu đạm của bạn sẽ được hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa. Nguồn đạm thực vật (ví dụ đậu nành) tốt hơn đạm động vật. Nếu sử dụng đạm động vật, ưu tiên thịt trắng (gà, cá) hơn thịt đỏ (bò, heo) và chủ yếu là thịt nạc, ít mỡ, ít da.
Tóm lại, thành phần dinh dưỡng cho bệnh nhân đái tháo đường cần được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu kiểm soát đường huyết. Trong các nhóm chất dinh dưỡng, carbohydrate nên được chú trọng chi tiết nhất vì có liên hệ trực tiếp với mức tăng đường huyết sau ăn.
>> Xem thêm: Thức khuya đái tháo đường: Hệ lụy tiềm ẩn nguy hiểm chớ nên xem thường
Tài liệu tham khảo
- Quyết định số 5481/QĐ-BYT ngày 30 tháng 12 năm 2020 về việc ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2”
- https://www.knowdiabetes.org.uk/be-healthier/nutrition-hub/low-carb/how-many-carbs-are-in-this-food/
VN_GM_DIA_401;exp:30/6/2025
Hướng dẫn chăm sóc bàn chân đái tháo đường cho bệnh nhân
Những bệnh lý thường gặp và cách chăm sóc mắt cho người đái tháo đường
Tập thể dục cho người đái tháo đường: Lợi ích, cường độ và cách tập
Trầm cảm và đái tháo đường
Bệnh thận đái tháo đường: Biến chứng nguy hiểm cần phòng ngừa
Tiền đái tháo đường: Tỷ lệ mắc bệnh và 5 yếu tố nguy cơ gây bệnh
Sức khỏe tình dục ở người đái tháo đường: Sự ảnh hưởng và cải thiện
Tự theo dõi đường huyết tại nhà: Tầm quan trọng và cách sử dụng
[Video] Người thừa cân, béo phì khi nào cần tầm soát tiền ĐTĐ - BS CKII Từ Thị Kim Thanh
[Video] Chế độ ăn cho người đái tháo đường - BS CKII Ngô Thế Phi
Tiểu ra đường có phải là đái tháo đường? Nguyên nhân và cách nhận biết
Thực đơn cho phụ nữ đái tháo đường thai kỳ: Thực phẩm nên ăn và kiêng
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp