Mẹo đo huyết áp tại nhà: Tầm quan trọng, cách kiểm soát và phòng ngừa
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
1. Tầm quan trọng và lý do tại sao nên đo huyết áp tại nhà?
Việc chẩn đoán tăng huyết áp chủ yếu dựa vào việc đo huyết áp tại cơ sở Y tế. Tuy nhiên, huyết áp đo tại cơ sở Y tế có thể khác biệt với huyết áp đo tại nhà. Một số bệnh nhân có thể có huyết áp cao khi đo tại cơ sở Y tế nhưng huyết áp đo tại nhà lại bình thường. Đây là dạng "tăng huyết áp kiểu áo choàng trắng" xảy ra khi bệnh nhân cảm thấy hồi hộp, lo lắng khi gặp bác sĩ và điều này gây ra tình trạng tăng huyết áp tại cơ sở Y tế.
Đo huyết áp tại nhà giúp bệnh nhân phát hiện sớm và điều trị kịp thời
Bên cạnh đó, việc đo huyết áp tại nhà có thể giúp phát hiện dạng "tăng huyết áp ẩn giấu" - xảy ra khi huyết áp khi đo tại cơ sở Y tế bình thường (<140/90 mmHg) nhưng huyết áp đo tại nhà tăng cao (> 135/85 mmHg). Nguy cơ tim mạch gia tăng đặc biệt ở bệnh nhân có tình trạng "tăng huyết áp ẩn giấu" vì điều trị thường không phù hợp ở nhóm bệnh nhân này do huyết áp đo tại cơ sở Y tế thường thấp hơn mức bình thường.
Một số lợi ích khác của việc đo huyết áp tại nhà là giúp theo dõi việc kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân đã được chẩn đoán tăng huyết áp, giúp làm giảm nguy cơ tim mạch và xác định tình trạng tăng huyết áp đề kháng ở một số bệnh nhân không đáp ứng với thuốc điều trị [1,2].
>> Xem thêm: Phân loại tăng huyết áp, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa và điều trị
2. Khi nào cần đo huyết áp?
Việc đo huyết áp tại nhà được khuyến cáo thực hiện ở bệnh nhân tăng huyết áp và có giá trị hơn, chính xác hơn so với huyết áp đo tại cơ sở Y tế [6].
Bệnh nhân tăng huyết áp nên thực hiện việc đo huyết áp tại nhà, ghi nhận lại kết quả và cung cấp cho bác sĩ sau mỗi lần tái khám. Việc đo huyết áp cần thực hiện đều đặn mỗi ngày.
Tuy nhiên, huyết áp thường dao động theo thời gian trong ngày - cao nhất vào buổi sáng, giảm dần trong ngày và thấp nhất ban đêm. Vì vậy, để chẩn đoán tăng huyết áp, có thể bác sĩ cần biết chỉ số huyết áp của bạn được đo 2 lần buổi sáng và 2 lần buổi tối mỗi ngày trong vòng 1 tuần [3].
Người bệnh cần đo huyết áp tại nhà sau mỗi lần tái khám
Có thể cần phải đo huyết áp thường xuyên vào thời gian đầu (ít nhất 2 lần/ngày và 5 ngày/tuần) nhưng khi huyết áp ổn định thì có thể chỉ cần theo dõi mỗi 3 ngày/lần [7].
3. Mẹp đo huyết áp đúng cách tại nhà
Quy trình đo huyết áp
Đầu tiên, bệnh nhân cần biết cách đọc trị số huyết áp đúng cách (xin xem thêm các bài viết về trị số huyết áp trong các bài viết khác đã đăng).
Các bước trong quy trình đo huyết áp tại nhà
>> Xem thêm: Ảnh hưởng của stress đến tăng huyết áp
Trước khi đo huyết áp 30 phút, bệnh nhân cần tránh hút thuốc lá, sử dụng caffein hay tập thể dục vì có thể gây tăng huyết áp khi đo.
Trong vòng 5 phút trước thời điểm đo, bệnh nhân nên ngồi nghỉ ngơi thoải mái.
Quy trình đo:
-
Bệnh nhân ngồi thẳng lưng trên ghế tựa, 2 chân chạm sàn nhà.
-
Đặt cánh tay được dùng để đo huyết áp duỗi thẳng trên mặt phẳng cứng như mặt bàn và vị trí nếp lằn khuỷu ngang vị trí của tim.
-
Lựa chọn băng quấn (bao đo) phù hợp với kích thước cánh tay với bề dài tối thiểu bằng 80% chu vi cánh tay, bề rộng tối thiểu bằng 40% chu vi cánh tay.
-
Vị trí quấn băng đo huyết áp thường được quấn sao cho bờ dưới của bao đo ở trên nếp lằn khuỷu 2cm và quấn vừa đủ chặt.
-
Không nói chuyện khi đo huyết áp.
-
Lần đầu tiên đo huyết áp, nên đo cả 2 cánh tay, bên nào có chỉ số cao hơn sẽ dùng để theo dõi huyết áp về sau.
Đo và ghi lại huyết áp
Đo huyết áp ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 1-2 phút. Nếu kết quả đo 2 lần chênh nhau > 10 mmHg, có thể cần đo lại lần 3 sau khi đã nghỉ 5 phút. Giá trị huyết áp trung bình của 2 lần đo cuối cùng được ghi nhận lại và không làm tròn kết quả quá chữ số hàng đơn vị (Ví dụ: 127/84 mmHg).
4. Kiểm soát và phòng ngừa huyết áp bằng cách thay đổi lối sống
Bên cạnh việc theo dõi huyết áp thường xuyên thì tuân thủ điều trị và thay đổi lối sống đống vai trò hết sức quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp. Một số biện pháp thay đổi lối sống cần được ghi nhớ bao gồm chế độ ăn giảm muối, ăn nhiều rau xanh, giảm lượng cồn tiêu thụ, giảm cân, không hút thuốc lá, duy trì lối sống lành mạnh, ít căng thẳng và thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
>> Xem thêm: Vai trò của tần số tim trong kiểm soát huyết áp
Nguồn tham khảo:
1. Shimbo, D., Artinian, N. T., Basile, J. N., Krakoff, L. R., Margolis, K. L., Rakotz, M. K., ... & American Heart Association and the American Medical Association. (2020). Self-measured blood pressure monitoring at home: a joint policy statement from the American Heart Association and American Medical Association. Circulation, 142(4), e42-e63.
2. Stergiou, G. S., Asayama, K., Thijs, L., Kollias, A., Niiranen, T. J., Hozawa, A., ... & Staessen, J. A. (2014). Prognosis of white-coat and masked hypertension: International Database of HOme blood pressure in relation to Cardiovascular Outcome. Hypertension, 63(4), 675-682.
3. Monitoring blood pressure at home can be tricky. Here's how to do it right.
https://www.heart.org/en/news/2022/05/23/monitoring-blood-pressure-at-home-can-be-tricky-heres-how-to-do-it-right
4. Unger, T., Borghi, C., Charchar, F., Khan, N. A., Poulter, N. R., Prabhakaran, D., ... & Schutte, A. E. (2020). 2020 International Society of Hypertension global hypertension practice guidelines. Hypertension, 75(6), 1334-1357.
5. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp ban hành kèm theo Quyết định số 3192/QĐ-BYT ngày 31 tháng 08 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế
6. Kario, K., Park, S., Buranakitjaroen, P., Chia, Y. C., Chen, C. H., Divinagracia, R., ... & Wang, J. G. (2018). Guidance on home blood pressure monitoring: a statement of the HOPE Asia Network. The Journal of Clinical Hypertension, 20(3), 456-461.
7. Khuyến cáo về Chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp 2022 - Hội Tim mạch học Việt Nam
- Các ứng dụng di động theo dõi sức khoẻ cho người tăng huyết áp
- Công thức nấu ăn cho người tăng huyết áp: Thực đơn 7 ngày
- 4 tác động của tăng huyết áp đến sức khỏe tinh thần cần lưu ý
- Tăng huyết áp và giấc ngủ: Mức độ ảnh hưởng, biến chứng và phòng ngừa
- Tình dục và tăng huyết áp có mối liên quan và mức độ ảnh hưởng ra sao?
- Giải pháp quản lý tăng huyết áp tại nơi làm việc đơn giản và hiệu quả
- Chi tiết về huyết áp kẹt: Mức độ nguy hiểm và hướng dẫn phòng ngừa
- Người huyết áp cao nên ăn gì và kiêng gì? Lối sống hiện đại ảnh hưởng tới tăng huyết áp như thế nào?
- Hiểu rõ chỉ số huyết áp và nguyên nhân tăng huyết áp ở giới trẻ
- Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản
- Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
- 7 cách quản lý huyết áp tại nhà có thể bạn chưa biết
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp