Vai trò của tần số tim trong kiểm soát huyết áp
Mặc dù không phải khi nào tần số tim cao cũng đi kèm huyết áp cao, nhưng nhiều nghiên cứu đã cho thấy tần số tim của bạn có liên quan đến khả năng kiểm soát huyết áp (Hình 1). Vì vậy, khi điều trị tăng huyết áp, bác sĩ không chỉ quan tâm đến trị số huyết áp của bạn. Tần số tim gần đây đã trở thành một mục tiêu cần kiểm soát đồng thời.
Hình 1: Tần số tim và huyết áp có mối liên quan chặt chẽ
1. Tần số tim liên hệ với huyết áp
Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành mạch. Khi tim bóp nhanh (thể hiện qua tần số tim cao), áp lực máu đi ra khỏi tim cũng cao hơn. Do đó, một cách đơn giản, tần số tim càng cao thì huyết áp càng dễ tăng.
Tần số tim cao là yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp
Nếu bạn đang có huyết áp trong ngưỡng bình thường nhưng tần số tim lúc nghỉ cao, nguy cơ mắc tăng huyết áp của bạn trong tương lai cao hơn dân số chung. Trung bình, cứ tăng tần số tim lúc nghỉ thêm 10 nhịp/phút thì khả năng bị tăng huyết áp của bạn tăng thêm 8% [1]. Nam giới với tần số tim lúc nghỉ trên 90 nhịp/phút thì tăng nguy cơ huyết áp cao lên 2.75 lần so với nam giới có tần số tim lúc nghỉ dưới 60 nhịp/phút [2]. Thực ra, sự gia tăng nguy cơ này ở nám giới đã bắt đầu diễn ra ở mức tần số tim 80 nhịp/phút trở lên. Đây là lý do nhiều bác sĩ đưa ra lời khuyên cố gắng kiểm soát tần số tim lúc nghỉ xuống dưới ngưỡng này hoặc thậm chí thấp hơn nữa nếu được (<70 nhịp/phút).
Tần số tim cao là yếu tố nguy cơ của các bệnh đồng mắc khác
Ngoài làm tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp, tần số tim cao còn làm bạn dễ bị béo phì, đái tháo đường hay hội chứng chuyển hóa hơn [2]. Những tình trạng này đã được chứng minh thường đi kèm và làm phức tạp thêm khả năng kiểm soát huyết áp (Hình 2) [3].
Hình 2: Đái tháo đường và tăng huyết áp có mối quan hệ chặt chẽ và phức tạp [3]
Tần số tim liên hệ với khả năng huyết áp kém kiểm soát
Nếu bạn đã bị tăng huyết áp, tần số tim cao làm cho bạn khó đạt mục tiêu huyết áp đề ra hơn. Do đó, những thuốc hạ áp kèm theo tác động giảm tần số tim có thể có lợi trong tình huống này.
Tần số tim có liên quan đến biến cố tim mạch
Cứ mỗi khi tăng tần số tim lúc nghỉ thểm 10 nhịp/phút thì nguy cơ gặp các biến cố tim mạch cũng cao theo. Cụ thể, tăng 24% nguy cơ suy tim, 18% nguy cơ đột tử do tim, 10% nhồi máu cơ tim, 9% đột quỵ và 19% tử vong nói chung [4, 5].
>> Xem thêm: Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
2. Tần số tim vào các thời điểm khác nhau trong ngày có vai trò khác nhau
Bình thường, tần số tim có xu hướng hơi cao vào ban ngày khi chúng ta làm việc và hoạt động. Lúc nghỉ ngơi và ngủ vào ban đêm, tần số tim thường giảm nhẹ. Nói cách khác, tần số tim ban đêm được kỳ vọng sẽ thấp hơn ban ngày. Đây là phản ứng sinh lý thông thường của cơ thể. Do đó, khi tần số tim ban đêm tăng cao, ảnh hưởng lên hệ tim mạch có thể còn lớn hơn khi bạn bị tăng tần số tim ban ngày.
Trong một nghiên cứu tại Nhật Bản, tần số tim cao vào ban đêm mang ý nghĩa dự đoán khả năng tử vong mạnh hơn và rõ ràng hơn so với tần số tim cao vào ban ngày [7].
3. Tần số tim nên được kiểm soát ở mức nào?
Với bệnh nhân tăng huyết áp, mặc dù chưa có mục tiêu cụ thể về tần số tim, một số chuyên gia khuyên rằng nên đưa và duy trì tần số tim <70 nhịp/phút. Nếu bạn có kèm bệnh mạch vành, tần số tim mục tiêu có thể hạ xuống tới <65 nhịp/phút.
4. Các cách làm giảm tần số tim trong điều trị tăng huyết áp?
Không có một biện pháp đơn lẻ nào giúp giảm hiệu quả tần số tim. Thay vào đó, bác sĩ sẽ khuyên bạn phối hợp nhiều phương thức, bao gồm cả dùng thuốc theo chỉ định và thay đổi lối sống. Đầu tiên, bạn cần biết tự theo dõi tần số tim (cùng với huyết áp) tại nhà. Tần số tim là một chỉ số đơn giản, được đo đồng thời bởi các máy đo huyết áp hiện hành. Một cách đơn giản hơn là tự đếm mạch tại cổ tay. Nếu tần số tim khi bạn đo ở nhà luôn thấp nhưng mỗi khi đến phòng khám, bệnh viện lại cao, bạn có thể được bác sĩ chỉ dịnh dùng máy đo theo dõi liên tục 24 giờ để phát hiện thực sự mức độ khác biệt này.
Ngưng thuốc lá, tránh dùng chất kích thích như caffein có hiệu quả rõ rệt trong việc làm giảm tần số tim. Chúng là các tác nhân làm tăng tần số tim được biết đến phổ biến. Chỉ trong vòng 20 phút sau khi ngừng hút thuốc, tần số tim và huyết áp của bạn đã có xu hướng giảm dần. Ngoài ra, tập luyện thể dục đều đặn sẽ giúp hạ được phần nào tần số tim. Nên giảm cân và duy trì mức cân nặng hợp lý nếu bạn đang ở ngưỡng thừa cân hay béo phì.
Phương thức cuối cùng là dùng thuốc với khả năng làm giảm tần số tim trong quá trình điều trị tăng huyết áp. Tùy mỗi người bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định các loại thuốc với liều lượng phù hợp.
Tóm lại, tần số tim đóng vai trò quan trọng trong bệnh lý tăng huyết áp. Tần số tim cao làm tăng khả năng mắc tăng huyết áp trong tương lai, tăng nguy cơ huyết áp kém kiểm soát và dễ dẫn đến các biến cố tim mạch. Tần số tim hiện nay cũng được coi là một mục tiêu trong điều trị tăng huyết áp.
>> Xem thêm: Yếu tố nguy cơ và hậu quả của không kiểm soát huyết áp
Tài liệu tham khảo
- Wang A., Liu X., Guo X., et al. Resting heart rate and risk of hypertension: Results of the Kailuan cohort study. Journal of Hypertension. 2014;32(8):1600–1605
- Yang H. I., Kim H. C., Jeon J. Y. The association of resting heart rate with diabetes, hypertension, and metabolic syndrome in the Korean adult population: The fifth Korea National Health and Nutrition Examination Survey. Clinica Chimica Acta. 2016;455:195–200
- https://medicircle.in/hypertension-and-diabetes-links-and-risks
- Julius S, Palatini P, Kjeldsen SE, Zanchetti A, Weber MA, McInnes GT, et al. Usefulness of heart rate to predict cardiac events in treated patients with high-risk systemic hypertension. Am J Cardiol 2012;109:685-92
- Okin P. M., Kjeldsen S. E., Julius S., et al. All-cause and cardiovascular mortality in relation to changing heart rate during treatment of hypertensive patients with electrocardiographic left ventricular hypertrophy. European Heart Journal. 2010;31(18):2271–2279.
- Okin P. M., Kjeldsen S. E., Julius S., et al. Effect of changing heart rate during treatment of hypertension on incidence of heart failure. American Journal of Cardiology. 2012;109(5):699–704
- Hozawa A., Inoue R., Ohkubo T., et al. Predictive value of ambulatory heart rate in the Japanese general population: The Ohasama study. Journal of Hypertension. 2008;26(8):1571–1576
- Knuuti J, Wijns W, Saraste A, et al. 2019 ESC Guidelines for the diagnosis and management of chronic coronary syndromes [published correction appears in Eur Heart J. 2020 Nov 21;41(44):4242]. Eur Heart J. 2020;41(3):407-477
VN_GM_CV_294;exp:31/12/2024
- Các ứng dụng di động theo dõi sức khoẻ cho người tăng huyết áp
- Công thức nấu ăn cho người tăng huyết áp: Thực đơn 7 ngày
- 4 tác động của tăng huyết áp đến sức khỏe tinh thần cần lưu ý
- Tăng huyết áp và giấc ngủ: Mức độ ảnh hưởng, biến chứng và phòng ngừa
- Tình dục và tăng huyết áp có mối liên quan và mức độ ảnh hưởng ra sao?
- Giải pháp quản lý tăng huyết áp tại nơi làm việc đơn giản và hiệu quả
- Chi tiết về huyết áp kẹt: Mức độ nguy hiểm và hướng dẫn phòng ngừa
- Người huyết áp cao nên ăn gì và kiêng gì? Lối sống hiện đại ảnh hưởng tới tăng huyết áp như thế nào?
- Hiểu rõ chỉ số huyết áp và nguyên nhân tăng huyết áp ở giới trẻ
- Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản
- Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
- 7 cách quản lý huyết áp tại nhà có thể bạn chưa biết
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp