Yếu tố nguy cơ và hậu quả khi huyết áp không kiểm soát

Yếu tố nguy cơ và hậu quả của không kiểm soát huyết áp

Yếu tố nguy cơ và hậu quả của không kiểm soát huyết áp

Khi bạn được chẩn đoán tăng huyết áp, bác sĩ sẽ chỉ định thay đổi lối sống và sử dụng thuốc hạ áp. Các hình thức thay đổi lối sống bao gồm chế độ dinh dưỡng, hoạt động thể lực, quản lý cân nặng và ngưng thuốc lá. Những phương pháp này cần được duy trì xuyên suốt lâu dài. Trong khi đó, thuốc hạ áp giúp kiểm soát huyết áp mạnh hơn theo mục tiêu mà bác sĩ đặt ra. Tuy nhiên, thực tế ghi nhận một phần nhiều bệnh nhân không đạt mục tiêu điều trị. Có nhiều lý do dẫn đến hiện tượng này. Dù cho nguyên nhân là gì, huyết áp không kiểm soát cũng dễ dẫn đến nhiều nhiều hậu quả nghiêm trọng.

Các biện pháp điều trị tăng huyết áp
Hình 1: Các biện pháp điều trị tăng huyết áp [1]

>> Xem thêm: Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản

1. Yếu tố nguy cơ dẫn đến huyết áp không kiểm soát    

Một số nghiên cứu đã tiến hành khảo sát xem vì những lý do gì mà bệnh nhân không đạt mục tiêu điều trị đề ra. Thông thường, với đa phần dân số, nên duy trì huyết áp <140/90 mmHg. Do đó, huyết áp không kiểm soát là khi trị số huyết áp của bạn vẫn trên mức này dù đã dùng thuốc.

Lớn tuổi (trên 75) là yếu tố nguy cơ đầu tiên. Tuổi cao ảnh hưởng phần nào tới trí nhớ của bạn. Điều này dẫn đến dễ có khả năng thi thoảng quên dùng thuốc theo toa. Ngoài ra, người già còn thường đi kèm nhiều bệnh đồng mắc bên cạnh tăng huyết áp, ví dụ bệnh mạch vành, suy tim, đái tháo đường… Một mặt, những bệnh lý này phối hợp nhau làm cho huyết áp trở nên khó kiểm soát hơn. Mặt khác, việc sử dụng cùng lúc nhiều thuốc để điều trị nhiều bệnh làm cho việc uống thuốc mỗi ngày khá phức tạp. Đôi khi bạn quên sử dụng thuốc hay thậm chí dùng nhầm thuốc, dùng thuốc không đúng cách [2].

Chỉ số khối cơ thể càng cao (chứng tỏ càng thừa cân, béo phì) thì bạn càng khó kiểm soát huyết áp. Lý do là vì cân nặng có liên quan chặt chẽ đến mức huyết áp của bạn. Cân nặng càng cao thì càng xảy ra nhiều hiện tượng như đề kháng insulin, tăng yếu tố viêm... làm cho huyết áp cao theo [2].

Những người sống độc thân, không kết hôn có khả năng kiểm soát huyết áp kém hơn. Điều này có thể do thiếu sự hỗ trợ trực tiếp lẫn tinh thần từ phía gia đình. Người làm công việc toàn thời gian thường ít đạt kiểm soát huyết áp so với người nghỉ hưu, ở nhà. Công việc bận rộn khiến tăng tần suất quên sử dụng thuốc. 

Bảo hiểm y tế là yếu tố rất quan trọng cần được cân nhắc. Khi không được chi trả bởi bảo hiểm y tế, người bệnh có xu hướng dễ bỏ ngang quá trình điều trị hơn [3].

Các nguyên nhân tiếp theo thuộc về chủ quan người bệnh. Một số ví dụ là mức độ kiến thức của bạn về bệnh lý tăng huyết áp và các hậu quả của nó hay kiến thức cơ bản về thuốc hạ áp. Ngoài ra, mức độ chi tiết trong việc bạn theo dõi và ghi chú lại kết quả đo huyết áp cũng góp phần đáng kể. Đặc biệt, bác sĩ còn quan tâm liệu bạn có thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống khác hay không [3]. Trong các hành vi lối sống, hút thuốc lá và ăn mặn là hai yếu tố nguy cơ rõ ràng nhất dẫn đến huyết áp cao. Do vậy, việc hạn chế muối trong bữa ăn và ngưng hút thuốc là điều cần thiết trong cả quá trình điều trị huyết áp.

2. Hậu quả của huyết áp không kiểm soát

Huyết áp cao gây hậu quả trên nhiều cơ quan (Hình 2) [4]. Có một nghiên cứu ghi nhận rằng người bệnh thường biết tới những hậu quả thường hay được nhắc đến trên truyền thông. Tuy nhiên, bệnh nhân lại ít có sự hiểu biết và quan tâm về nhiều biến chứng âm thầm khác.

biến chứng tăng huyết áp
Hình 2: Một số biến chứng của huyết áp không kiểm soát [4]

>> Xem thêm: Hệ thần kinh giao cảm và mối liên quan với bệnh mạch vành

Bạn có thể đã nghe đến nhồi máu cơ tim, suy tim hay đột quỵ do tăng huyết áp gây nên. Tuy nhiên, không nhiều người để ý về các hậu quả như suy thận, mù, sa sút trí tuệ hay rối loạn chức năng tình dục [5]. Suy thận hoặc bệnh võng mạc ở mắt trên bệnh nhân tăng huyết áp là hậu quả của tổn thương mạch máu tại những nơi này do huyết áp cao gây nên. Nếu không được điều trị, bệnh có thể nặng đến mức suy thận giai đoạn cuối hoặc mù lòa. Trong khi đó, huyết áp không kiểm soát có khả năng gây rối loạn cương ở nam hay giảm chức năng sinh dục ở cả hai giới.

Khi không có sự hiểu biết về những hậu quả này, bạn có xu hướng ít coi trọng việc kiểm soát huyết áp hơn. Điều này là một trong các nguyên nhân đưa đến huyết áp không được điều chỉnh tối ưu. Do vậy, cơ quan y tế Hoa Kỳ đã đưa ra lời khuyên rằng cần có các hành động nâng cao nhận thức bệnh cho người dân [5]. Điều này có thể đạt được thông qua các hoạt động giáo dục cộng đồng và tại phòng khám, bệnh viện.

Tóm lại, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến huyết áp không kiểm soát. Trong đó, những yếu tố quan trọng nhất đến từ nhận thức và hành vi của chính bạn. Nếu không được điều trị đúng mức, huyết áp cao sẽ đưa đến nhiều biến chứng trên các cơ quan khác nhau. 

>> Xem thêm: Tại sao và nên tập thể dục như thế nào là tốt cho tim mạch?

 

Tài liệu tham khảo

  1.  https://ghpclinic.com/sublinks/whatwetreat/hypertention.php
  2.  Chen X, Xu SK, Guo QH, et al. Barriers to blood pressure control in China in a large opportunistic screening. J Clin Hypertens (Greenwich). 2020;22(5):835-841
  3.  Gao Z, Chen S, Huang X, et al. Risk Prediction Model for Uncontrolled Hypertension in Chinese Community. Front Cardiovasc Med. 2022;8:808071. Published 2022 Jan 24
  4. https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/health-threats-from-high-blood-pressure
  5.  https://www.cdc.gov/pcd/issues/2018/17_0362.htm

 

VN_GM_CV_293;exp:31/12/2024

 

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.