Chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp: Nên ăn gì và kiêng gì?
Thông tin được bảo trợ bởi Hội Tim Mạch Việt Nam
Ngoài cắt giảm lượng muối trong khẩu phần hàng ngày được xem như lời khuyên hàng đầu mà bác sĩ dành cho bệnh nhân tăng huyết áp, bạn còn có thể thấy một số chỉ dẫn khác liên quan đến chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp góp phần hỗ trợ cải thiện khả năng kiểm soát huyết áp của chính bản thân mình.
1. Giảm đường và tinh bột
Bạn thường nghe lời khuyên này dành cho bệnh nhân đái tháo đường và thật khó hình dung mối liên hệ giữa tinh bột với tăng huyết áp. Tuy nhiên, điều này thực sự đúng khi áp dụng vào chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu cho thấy hạn chế đường, carbohydrate đã qua tinh chế giúp giảm cân, từ đó hạ huyết áp.
Carbohydrate đã tinh chế (refined) hay carbohydrate đơn giản (simple) cũng là thành phần đường bột nhưng đã được loại bỏ cám, chất xơ, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác. Như vậy, carbohydrate dưới dạng này gần như được hấp thu rất nhanh vào cơ thể, gây tăng đường huyết nhanh chóng sau khi sử dụng và góp phần dẫn đến thừa cân, béo phì nếu sử dụng quá nhiều trong thời gian dài. Vài ví dụ là:
- Bánh mì trắng.
- Đế bánh pizza.
- Mì ý.
- Bột nhồi làm bánh.
- Bột mì trắng.
- Gạo trắng.
- Bánh ngọt tráng miệng.
- Ngũ cốc ăn sáng.
- Đồ uống có gas các loại (Hình 1).
Một nghiên cứu năm 2010 so sánh chế độ ăn giảm carbohydrate (low-carb) và giảm chất béo (low-fat) cho thấy cả hai hình thức đều giúp người tham gia giảm cân nhưng chế độ low-carb hiệu quả trong việc hạ áp hơn (giảm 5.9 mmHg huyết áp tâm thu, 4.5 mmHg huyết áp tâm trương) so với low-fat (giảm 1.5 mmHg huyết áp tâm thu, 0.4 mmHg huyết áp tâm trương) [1].
Phân tích mới hơn năm 2012 khảo sát mối liên hệ giữa chế độ ăn low-carb và sự giảm nguy cơ bệnh tim mạch cũng cho kết quả tương tự với khả năng làm giảm huyết áp tâm thu đi trung bình 4.81 mmHg, giảm huyết áp tâm trương 3.10 mmHg [2].
Mặt tích cực khác của khẩu phần giảm tinh bột, giảm đường là bạn phải tiêu thụ chất đạm (protein) với tỉ trọng nhiều hơn. Quá trình phân cắt, hấp thu đạm trong đường tiêu hóa diễn ra chậm hơn, do đó tạo cảm giác no kéo dài làm bạn ít thèm ăn, ít ăn vặt. Đây cũng là lợi điểm để hỗ trợ giảm cân.
Hình 1: Chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp nên hạn chế các loại carbohydrate đã tinh chế
>> Xem thêm: Chế độ ăn hợp lý cho bệnh nhân tim mạch
2. Tăng cường đạm
Một nghiên cứu dài hạn công bố năm 2014 tìm ra rằng người ăn nhiều đạm (protein) có khả năng làm giảm huyết áp. Nhóm tiêu thụ trung bình 100g đạm mỗi ngày giảm được 40% nguy cơ mắc tăng huyết áp so với người ăn ít hơn. Nếu bổ sung thêm chất xơ vào khẩu phần ăn hàng ngày, mức giảm tương ứng lên đến gần 60% [3].
Con số nói trên thực ra không hề khó đạt được nếu bạn có chế độ dinh dưỡng đầy đủ. Một số thực phẩm giàu đạm như cá (ví dụ cá hồi, cá ngừ, kể cả cá ngừ đóng hộp), thịt gia cầm (gà, vịt, đặc biệt phần ức gà), thịt bò, trứng, các cây họ đậu (đậu lăng, đậu tây, đậu thận, đậu Hà Lan, đậu gà), các loại hạt hoặc bơ từ hạt (ví dụ bơ đậu phộng) và phô mai.
Hình 2 : Tăng cường đạm vào chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp
Cụ thể, một lạng cá hồi chứa khoảng 22g đạm, trong khi khối lượng tương đương ức gà thậm chí lên đến 30g đạm. Nếu bạn ăn chay, lượng đạm hàng ngày chủ yếu đến từ các sản phẩm từ đậu, chẳng hạn như nửa chén hạt đậu chứa khoảng 7-10g đạm hay hai muỗng canh bơ đậu phộng có khoảng 8g đạm [4].
Đạm whey, một loại protein hoàn chỉnh chứa 9 acid amin thiết yếu cho cơ thể, dễ hòa tan, thường được dùng để bổ sung trong quá trình tập luyện thể hình, cũng được chứng minh một số lợi ích sức khỏe, trong đó có khả năng làm giảm huyết áp ít nhiều [5].
Tuy nhiên, cần chú ý là chế độ ăn giàu đạm không phù hợp cho tất cả mọi người. Nếu bạn đã bị biến chứng bệnh thận mạn do tăng huyết áp hay do các nguyên nhân khác, quá nhiều đạm trong khẩu phần ăn sẽ trở thành gánh nặng cho thận và có thể làm cho thận bị tổn thương nhiều hơn. Do đó, bạn nên thảo luận với bác sĩ điều trị huyết áp hoặc bác sĩ dinh dưỡng trước khi bắt đầu chế độ ăn này.
3. Ăn thực phẩm chứa nhiều kali
Kali là một nguyên tố hóa học, thành phần của nhiều loại hợp chất trong thực phẩm. Ngược với natri trong muối ăn gây tăng giữ nước, tăng huyết áp, kali lại làm giảm sức căng thành mạch máu, đồng thời đối kháng tác động có hại của natri dư thừa. Do vậy, tăng lượng kali trong khẩu phần ăn có hiệu quả tương đồng và hỗ trợ với việc giảm muối, giúp hạ huyết áp [6].
Một số thức ăn giàu kali tự nhiên là sữa và sản phẩm từ sữa như yogurt, phô mai; cá; trái cây như chuối, mơ, bơ, cam, bưởi, các loại dưa (bao gồm dưa hấu, dưa gang, dưa lưới…); rau củ như rau chân vịt, súp lơ, khoai tây, khoai lang, cà chua, nấm, dưa leo, cây họ đậu. Chú ý rằng những sản phẩm trái cây sấy như mận khô, nho khô, chà là cũng chứa nhiều kali nhưng đôi khi đi kèm hàm lượng natri cao và có thể không thích hợp cho bệnh nhân tăng huyết áp.
Mặc dù mang lại lợi ích trong việc kiểm soát huyết áp như vừa trình bày ở trên nhưng quá nhiều kali trong cơ thể cũng không tốt, đặc biệt nếu bạn đã mắc bệnh thận mạn. Khi thận suy yếu, khả năng thải kali qua nước tiểu giảm làm cho kali có xu hướng tích tụ lại trong máu. Nồng độ kali cao quá ngưỡng bình thường có thể gây rối loạn nhịp hoặc thậm chí nặng hơn là ngưng tim. Điều này cần được đặc biệt lưu tâm bởi vì tăng huyết áp (hoặc kèm thêm đái tháo đường) là yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng bệnh thận mạn.
Nói cách khác, một tỉ lệ nhất định bệnh nhân tăng huyết áp có chức năng thận suy giảm kéo dài, do đó tăng khả năng tích tụ kali trong cơ thể gây hại. Do vậy, cũng giống như với chế độ ăn giàu đạm, bạn nên thảo luận với bác sĩ để ít nhiều biết được khoảng chức năng thận hay giai đoạn bệnh thận của mình nhằm nhận được lời khuyên cụ thể về việc có nên sử dụng những thực phẩm chứa nhiều kali kể trên hay không.
Hình 3: Nên bổ sung kali vào chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp
4. Thực phẩm có chứa magie
Ngoài kali, một chất điện giải khác là magie khi bị thiếu cũng có liên quan đến tình trạng huyết áp cao. Bài phân tích tổng hợp gần đây của tác giả gốc Việt làm việc và nghiên cứu tại Hoa Kỳ cùng cộng sự cho thấy huyết áp có thể giảm đôi chút với thực phẩm chức năng bổ sung magie [7]. Những thực phẩm tự nhiên chứa hàm lượng magie cao là rau xanh (nhất là các loại rau ăn lá), đậu, hạt, ngũ cốc nguyên hạt và sản phẩm từ sữa.
Hình 4: Các loại hạt chứa nhiều magie tốt cho chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp
>> Xem thêm: 8 loại thuốc hạ huyết áp được chỉ định trong điều trị phổ biến
5. Hạn chế rượu bia
Đồ uống có cồn nói chung có thể làm huyết áp cao lên, ngay cả khi bạn khỏe mạnh và không có bệnh tim mạch. Mỗi 10g cồn có khả năng làm tăng huyết áp thêm 1 mmHg, trong khi một phần uống chuẩn (standard drink) chứa đến 14g cồn [8]. Thế nào là một phần uống chuẩn? Lượng này tương đương với 1 lon bia 350ml (độ cồn 5%), 150ml rượu vang (độ cồn 12%) hoặc 45ml rượu mạnh như whiskey, gin, rum, vodka, tequila (độ cồn 40%) (Hình 3) [9].
Khác với thuốc lá được khuyến cáo ngưng hẳn, bạn có thể sử dụng rượu bia với lượng hợp lý mỗi ngày. Cụ thể, nam giới được uống không quá hai phần chuẩn mỗi ngày, nữ giới uống không quá một phần chuẩn mỗi ngày [10]. Tóm lại, chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp cần kiểm soát kỹ lưỡng lượng cồn dung nạp mỗi ngày.
Hình 5: Quy đổi tương đương cho một phần uống chuẩn (standard drink)
6. Giảm caffeine
Caffeine làm tần số tim huyết áp của bạn tăng thoáng qua, kéo dài khoảng 45-60 phút sau khi uống nhưng đôi khi có người nhạy cảm, tăng mạnh và lâu hơn. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng tác động của caffeine trở nên rõ rệt hơn nếu bạn đã mắc tăng huyết áp từ trước [11].
Một số người có thể rất nhạy cảm với caffeine, chỉ cần một lượng nhỏ cũng gây triệu chứng hồi hộp, đánh trống ngực, bứt rứt, mất ngủ. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng lên huyết áp của cà phê, bạn hãy thử đo huyết áp sau khi uống 30 phút. Nếu huyết áp tăng thêm hơn 5-10 mmHg, bạn là người nhạy caffeine. Hoạt chất này có nhiều trong nhiều sản phẩm đồ uống phổ biến như cà phê, trà, chocolate, nước tăng lực, soda.
Hàm lượng caffeine trong một ly cà phê nhất định dao động tùy thuộc giống cà phê được thu hoạch, thời gian và mức độ rang hạt (rang nhạt, hơi sém hay rang cháy), cách pha chế, thành phần thêm vào và kích cỡ cốc đựng cà phê. Ví dụ, cà phê pha thông thường (brewed coffee hay regular coffee) là hình thức phổ biến và đơn giản nhất với người Việt, được pha bằng cách chế trực tiếp nước sôi vào bột cà phê đã xay, có thể dùng thêm túi lọc hay phin lọc để lấy riêng phần nước, loại này chứa 70 - 140mg caffeine (trung bình 95mg) cho một cốc 230ml.
Một biến thể của hình thức này là cold brew (cà phê pha lạnh), nghĩa là bột cà phê được ngâm trong nước lạnh để tự thẩm thấu các chất ra mà không cần phải nhờ tới nhiệt độ cao, dĩ nhiên cần tới thời gian ngâm lâu hơn, khoảng 12-24 giờ. Espresso được pha chế bằng cách cho dòng hơi nước thật nóng đi qua bột cà phê xay mịn.
Mặc dù chứa nồng độ caffeine tính theo mỗi đơn vị thể tích cao hơn nhưng do mức độ đậm đặc nên espresso lại thường được trình bày và sử dụng với ly cỡ nhỏ, bởi vậy một tách cà phê 40ml (one shot) loại này chứa khoảng 63mg caffeine, trong khi tách cỡ lớn (double shot) chứa gấp đôi là 125mg (Hình 4).
Những thức uống khác dựa trên nền espresso nhưng được pha thêm nước hay sữa như latte, cappuccino, macchiato và Americano có hàm lượng caffeine trong cùng một thể tích ít hơn espresso nguyên chất.
Cà phê hòa tan là sản phẩm phổ biến trên thị trường hiện nay vì tính tiện dụng, chỉ cần khuấy bột có sẵn với nước nóng là bạn sẽ có một tách cà phê dùng được ngay tức thì. Loại này chứa ít caffeine hơn so với cà phê thông thường, khoảng 30-90mg cho một tách.
Hình 6: Kích cỡ một cốc espresso phù hợp với chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp
Một dòng sản phẩm gần đây thường được nhắc đến là decaffeinated coffee (viết ngắn gọn decaf coffee), là cà phê đã được tách bỏ bớt caffeine. Mặc dù cái tên gợi nên hình tượng hoàn toàn không còn caffeine nhưng thực tế loại cà phê này đôi khi vẫn chứa một ít caffeine, chỉ là ít hơn đáng kể so với những sản phẩm truyền thống kể trên.
Một cốc cà phê decaf chứa từ 0-7mg (trung bình 3mg) caffeine. Đây là lựa chọn thích hợp nếu như bạn bị tăng huyết áp, cần hạn chế sử dụng caffeine nhưng lại không muốn từ bỏ khẩu vị cà phê ưa thích của mình. Một điều thú vị là khảo sát cho thấy đa phần sản phẩm của các thương hiệu lớn có hàm lượng caffeine cao hơn cà phê mà bạn tự pha tại nhà [11].
Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn là người nhạy cảm caffeine bởi vì một số loại thuốc đơn giản, phổ biến mà có chứa caffeine (ví dụ viên kết hợp paracetamol/caffeine) cũng có thể gây triệu chứng khó chịu khi dùng.
7. Ăn chocolate đen
Một tin tốt lành dành cho người yêu thích chocolate: chocolate đen hoặc loại pha thêm ít sữa (ít nhất 70% chocolate) có khả năng làm giảm huyết áp. Nghiên cứu lớn năm 2010 trên tổng cộng 14,310 người tham gia cho thấy nhóm tiêu thụ nhiều chocolate đen giảm được cả huyết áp tâm thu, huyết áp tâm trương đáng kể so với nhóm còn lại [13].
Lợi ích này được cho là đến từ các chất hóa học có mặt tự nhiên trong hạt cacao, thành phần chính để sản xuất nên chocolate. Một trong số đó là flavonoid với khả năng làm giãn mạch máu, giảm hiện tượng viêm trong lòng mạch, hạ huyết áp và giảm nguy cơ bệnh tim mạch [14].
Hình 7: Bổ sung chocolate đen vào chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp
>> Xem thêm: 7 cách quản lý huyết áp tại nhà có thể bạn chưa biết
8. Thực phẩm chức năng hoặc thuốc nguồn gốc thực vật
Mặc dù những chế phẩm dưới đây không được khuyến cáo chính thức trong các hướng dẫn điều trị huyết áp nhưng chúng có thể hỗ trợ thêm trong việc làm giảm huyết áp, dựa vào một số nghiên cứu tương đối tin cậy. Tỏi tươi hay tinh chất tỏi đều được sử dụng rộng rãi từ lâu trong dân gian với mục đích hạ áp [15].
Bài phân tích tổng hợp năm 2012 cho thấy khả năng giảm 10-12 mmHg huyết áp tâm thu và 6-9 mmHg huyết áp tâm trương ở những người sử dụng tỏi so với người không dùng [16]. Trong một thử nghiệm lâm sàng khác, nghiên cứu viên chỉ ra rằng chiết xuất tỏi được bào chế dưới dạng phóng thích kéo dài có hiệu quả hạ áp tốt hơn viên tỏi thông thường [17].
Hình 8: Sử dụng tỏi trong chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp
Dầu cá (chứa thành phần chính là một số acid béo không bão hòa omega-3 như EPA, DHA) được chứng minh giảm 4.5 mmHg huyết áp tâm thu và 3.0 mmHg huyết áp tâm trương [18]. Kết quả cũng tương tự với L-citrulline, tiền chất của acid amin L-arginine hay chất chống oxi hóa coenzym Q10 khi có khả năng làm giảm huyết áp tâm thu 17 mmHg và giảm huyết áp tâm trương 10 mmHg mà không có tác dụng ngoại ý đáng kể [19], [20].
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh lại là những hoạt chất kể trên vẫn mới chỉ được nghiên cứu đơn lẻ chứ chưa mang tính hệ thống với nhiều thử nghiệm lâm sàng lớn, chặt chẽ và chưa được đưa vào khuyến cáo điều trị tăng huyết áp. Ngoài ra, để hạn chế khả năng tương tác thuốc với phác đồ mà bạn đang tuân theo, hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ thuốc hay thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung nào khác ngoài toa.
Trên đây là một số lời khuyên liên quan đến chế độ ăn uống của bệnh nhân tăng huyết áp hàng ngày dành cho bệnh nhân tăng huyết áp ngoài việc giảm muối mà bạn thường được nghe chỉ dẫn. Những điều này có thể hỗ trợ giúp giảm thêm huyết áp của bạn bên cạnh thuốc điều trị mà bác sĩ kê toa nhằm tăng khả năng đạt được mục tiêu kiểm soát huyết áp.
Tài liệu tham khảo:
-
William S Yancy, Eric C Westman, et al (2010). A Randomized Trial of a Low-Carbohydrate Diet vs Orlistat Plus a Low-Fat Diet for Weight Loss. Arch Intern Med, 170(2):136-145.
-
F L Santos, S S Esteves, et al (2012). Systematic review and meta-analysis of clinical trials of the effects of low carbohydrate diets on cardiovascular risk factors. Obes Rev, 13(11):1048-1066.
-
Justin R Buendia, M Loring Bradlee, et al (2015). Diets higher in protein predict lower high blood pressure risk in Framingham Offspring Study adults. Am J Hypertens, 28(3):372-379.
-
https://www.healthline.com/health/high-blood-pressure-hypertension/lower-it-fast#12
-
Sebely Pal, Vanessa Ellis, et al (2010). The chronic effects of whey proteins on blood pressure, vascular function, and inflammatory markers in overweight individuals. Obesity (Silver Spring), 18(7):1354-1359.
-
Sung Kyu Ha (2014). Dietary salt intake and hypertension. Electrolyte Blood Press, 12(1):7-18.
-
Ha Nguyen, Olaide A Odelola, et al (2013). A Review of Nutritional Factors in Hypertension Management. Int J Hypertens, 2013:698940.
-
Ian B Puddey, Lawrence J Beilin, et al (2006). Alcohol is bad for blood pressure. Clin Exp Pharmacol Physiol, 33(9):847-852.
-
https://www.niaaa.nih.gov/what-standard-drink
-
https://www.niaaa.nih.gov/alcohol-health/overview-alcohol-consumption/moderate-binge-drinking
- Các ứng dụng di động theo dõi sức khoẻ cho người tăng huyết áp
- Công thức nấu ăn cho người tăng huyết áp: Thực đơn 7 ngày
- 4 tác động của tăng huyết áp đến sức khỏe tinh thần cần lưu ý
- Tăng huyết áp và giấc ngủ: Mức độ ảnh hưởng, biến chứng và phòng ngừa
- Tình dục và tăng huyết áp có mối liên quan và mức độ ảnh hưởng ra sao?
- Giải pháp quản lý tăng huyết áp tại nơi làm việc đơn giản và hiệu quả
- Chi tiết về huyết áp kẹt: Mức độ nguy hiểm và hướng dẫn phòng ngừa
- Người huyết áp cao nên ăn gì và kiêng gì? Lối sống hiện đại ảnh hưởng tới tăng huyết áp như thế nào?
- Hiểu rõ chỉ số huyết áp và nguyên nhân tăng huyết áp ở giới trẻ
- Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản
- Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
- 7 cách quản lý huyết áp tại nhà có thể bạn chưa biết
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp