8 loại thuốc hạ huyết áp được chỉ định trong điều trị

8 loại thuốc hạ huyết áp được chỉ định trong điều trị phổ biến

8 loại thuốc hạ huyết áp được chỉ định trong điều trị phổ biến

Tăng huyết áp là một căn bệnh tim mạch nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người Việt Nam. Việc sử dụng thuốc hạ huyết áp phù hợp đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Bài viết này sẽ giới thiệu 8 loại thuốc hạ huyết áp được chỉ định phổ biến trong điều trị hiện nay, giúp bạn đọc có thêm thông tin hữu ích để lựa chọn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

1. Thuốc chẹn beta

Thuốc chẹn beta [1] là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị cao huyết áp, đặc biệt ở những bệnh nhân có kèm theo các vấn đề tim mạch khác như đau thắt ngực hoặc suy tim. Thuốc hoạt động bằng cách làm chậm nhịp tim và giảm lực co bóp của cơ tim, từ đó giúp hạ huyết áp hiệu quả.

Mặc dù hiện nay thuốc chẹn beta không còn là sự lựa chọn hàng đầu trong điều trị tăng huyết áp, nhưng vẫn có vai trò trong những trường hợp đặc biệt. Cụ thể, loại thuốc này thường được ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân suy tim, nhịp tim nhanh hoặc sau nhồi máu cơ tim.

Tuy nhiên, cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính vì có thể gây co thắt phế quản. Ngoài ra, bệnh nhân hen suyễn cần được theo dõi kỹ khi sử dụng thuốc chẹn beta vì có thể giảm tác dụng của các thuốc hen khác.

Thuốc chẹn beta dùng trong điều trị huyết áp cao
Thuốc chẹn beta dùng trong điều trị huyết áp cao

2. Thuốc chẹn kênh canxi

Hiện nay, ngoài thuốc chẹn beta thì thuốc chẹn kênh canxi [2] cũng là một loại thuốc hạ huyết áp phổ biến, loại thuốc này hoạt động bằng cách giãn mạch máu, giúp giảm áp lực lên thành mạch. Tuy nhiên, thuốc này có thể làm tăng nhịp tim, nên cần lưu ý một số trường hợp đặc biệt khi sử dụng.

Cần tránh sử dụng thuốc chẹn kênh canxi tác dụng ngắn vì có thể tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp tính. Đối với bệnh nhân co thắt phế quản hoặc co thắt mạch vành thì thuốc chẹn kênh canxi sẽ được ưu tiên sử dụng hơn thuốc chẹn beta.

Thuốc chẹn kênh canxi dùng trong điều trị huyết áp cao
Thuốc chẹn kênh canxi dùng trong điều trị huyết áp cao

3. Chất ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (hay chất ức chế ACE) [1] là một nhóm thuốc phổ biến được sử dụng để điều trị cao huyết áp. Chúng hoạt động bằng cách ức chế quá trình chuyển đổi angiotensin I thành angiotensin II, một chất dẫn đến co mạch máu và tăng huyết áp. Ngoài ra, ACE còn giúp bảo vệ thận bằng cách giảm áp lực lên các mạch máu nhỏ trong thận.

Tuy nhiên, thuốc ức chế men chuyển angiotensin không phù hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt, người gốc Phi không nên sử dụng ACE như liệu pháp khởi đầu vì có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Một số tác dụng phụ phổ biến khác của ACE bao gồm ho khan, tăng kali huyết và creatinine huyết thanh. Do đó, cần theo dõi định kỳ nồng độ kali và creatinine, đặc biệt ở những bệnh nhân có bệnh thận mạn tính hoặc đang dùng thuốc lợi tiểu giữ kali.

Mặc dù có thể gây tổn thương thận cấp tính ở một số bệnh nhân, thuốc ức chế men chuyển angiotensin thường được dung nạp tốt ở những người bị suy tim, giảm thể tích máu hoặc có vấn đề về động mạch thận.

Chất ức chế men chuyển angiotensin dùng trong điều trị huyết áp cao
Chất ức chế men chuyển angiotensin dùng trong điều trị huyết áp cao

>> Xem thêm: Lập kế hoạch chăm sóc bệnh nhân tăng huyết áp đúng cách và hiệu quả

4. Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs)

Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARBs) [1] là thuốc giúp hạ huyết áp bằng cách ức chế hoạt động của angiotensin II, một chất làm co mạch máu và tăng huyết áp. ARBs hiệu quả tương đương thuốc ức chế men chuyển (ACE) trong điều trị tăng huyết áp, đồng thời loại thuốc hạ huyết áp này có một số ưu điểm khác, bao gồm:

  • Bảo vệ tim mạch và thận ở bệnh nhân suy tim hoặc bệnh thận do đái tháo đường.
  • Ít tác dụng phụ hơn so với thuốc ức chế ACE, đặc biệt là ho khan.
  • An toàn đối với tất cả người bệnh có tốc độ lọc cầu thận (GFR) > 30 mL/phút.

Mặc dù không nên sử dụng ARBs cùng với thuốc ức chế ACE, nhưng có thể kết hợp với thuốc chẹn beta để giảm tỷ lệ nhập viện ở bệnh nhân suy tim. 

Nhìn chung, tác dụng phụ của ARBs ít hơn rất nhiều so với thuốc ức chế men chuyển (ACE), mặc dù tình trạng phù mạch vẫn có thể xảy ra nhưng ít hơn. 

Bên cạnh đó, tương tự như thuốc ức chế men chuyển (ACE), cần thận trọng khi sử dụng ARBs ở bệnh nhân tăng huyết áp do mạch thận, giảm thể tích máu và suy tim nặng. Đồng thời, không được sử dụng loại thuốc hạ huyết áp này trong giai đoạn thai kỳ.

Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs) dùng trong điều trị huyết áp cao
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARBs) dùng trong điều trị huyết áp cao

5. Thuốc hạ huyết áp ức chế trực tiếp renin

Các chất ức chế renin trực tiếp [3] có khả năng kiểm soát áp lực máu, nên thường được dùng trong điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, loại thuốc này có thể gây tăng kali và creatinine trong máu. Do đó, không nên kết hợp với các thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II ở bệnh nhân tiểu đường hoặc bệnh thận (GFR ước tính < 60 mL/phút). Bên cạnh đó, không nên sử dụng nhóm thuốc hạ huyết áp ức chế trực tiếp renin cho phụ nữ đang mang thai.

Thuốc hạ huyết áp ức chế trực tiếp renin dùng trong điều trị huyết áp cao
Thuốc hạ huyết áp ức chế trực tiếp renin dùng trong điều trị huyết áp cao

6. Thuốc lợi tiểu giúp hạ huyết áp

Thuốc lợi tiểu [1] là nhóm thuốc hạ huyết áp được sử dụng phổ biến trong điều trị tăng huyết áp. Chúng hoạt động bằng cách tác động lên thận, làm tăng lượng nước và muối bài tiết ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu. Nhờ vậy, thể tích máu giảm đi, dẫn đến giảm áp lực lên thành mạch máu, từ đó giúp hạ huyết áp.

Nhưng thuốc lợi tiểu có thể gây mất kali đáng kể, do đó cần theo dõi kali huyết thanh định kỳ. Cần đặc biệt chú ý đến bệnh nhân có tình trạng kali huyết thanh thấp hoặc tiền sử suy tim. Ngoài ra, sử dụng lợi tiểu cũng có thể gây tăng axit uric máu và tăng cholesterol, nhưng những tác động này thường không kéo dài.

Thuốc lợi tiểu giúp hạ huyết áp dùng trong điều trị huyết áp cao
Thuốc lợi tiểu giúp hạ huyết áp dùng trong điều trị huyết áp cao

>> Xem thêm: Chế độ ăn DASH trong điều trị tăng huyết áp

7. Thuốc giãn mạch trực tiếp

Thuốc giãn mạch trực tiếp [2] là loại thuốc hạ huyết áp có tác động trực tiếp lên cơ trơn của thành mạch máu mà không làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự động. Chúng làm giãn nở mạch máu và giảm sức cản của dòng chảy máu, từ đó giúp hạ huyết áp một cách hiệu quả. Đặc biệt, chúng thường được sử dụng trong điều trị các trường hợp tăng huyết áp nặng như tăng huyết áp cấp tính, tăng huyết áp ác tính, tăng huyết áp kháng trị, hoặc khi các loại thuốc hạ huyết áp khác không đạt được kết quả mong muốn.

Thuốc giãn mạch trực tiếp dùng trong điều trị huyết áp cao
Thuốc giãn mạch trực tiếp dùng trong điều trị huyết áp cao

8. Thuốc cường adrenergic

Các loại thuốc cường adrenergic [1] là một nhóm thuốc hạ huyết áp, bao gồm: Các thuốc chủ vận alpha-2 trung ương, các thuốc chẹn thụ thể alpha-1 sau synap và các thuốc chẹn adrenergic không chọn lọc ngoại vi. Cụ thể như sau:

  • Các thuốc chủ vận alpha-2 trung ương kích thích thụ thể alpha-2-adrenergic ở thân não, làm giảm hoạt động thần kinh giao cảm, hạ huyết áp. Do tác động vào thần kinh trung ương, chúng có thể gây buồn ngủ, lơ mơ và trầm cảm hơn các loại thuốc hạ áp khác, nên không còn được sử dụng phổ biến. Clonidine có thể được dùng dưới dạng miếng dán mỗi tuần, phù hợp cho những người khó khăn trong việc tuân thủ điều trị (như: mắc chứng mất trí nhớ,...). Cần lưu ý rằng, có thể xảy ra tình trạng tăng huyết áp dội ngược khi đột ngột dừng thuốc.
  • Thuốc ức chế thụ thể alpha-1 sau synap không còn được sử dụng để điều trị tăng huyết áp bởi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng không giúp giảm tỷ lệ tử vong. Ngoài ra, chúng có thể gây ngất ở liều đầu tiên, hạ huyết áp thế đứng, yếu, đánh trống ngực và đau đầu. Tuy nhiên, có thể sử dụng ở những người có tình trạng phì đại lành tính tuyến tiền liệt hoặc cần điều trị hạ áp thứ tư hoặc những người không phản ứng tốt với các loại thuốc khác.
Thuốc cường adrenergic dùng trong điều trị huyết áp cao
Thuốc cường adrenergic dùng trong điều trị huyết áp cao

Trên đây là 8 loại thuốc hạ huyết áp được chỉ định phổ biến trong điều trị tăng huyết áp. Việc sử dụng thuốc hạ huyết áp cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và kết hợp với chế độ ăn uống, tập luyện hợp lý để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất.

>> Xem thêm: Tăng huyết áp về đêm: những điều cần biết

 

Tài liệu tham khảo

1. Antihypertensive Medications: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK554579/ (Ngày truy cập: 22/04/2024)

2. Blood Pressure Medication: https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/21811-antihypertensives (Ngày truy cập: 22/04/2024)

3. Types of Blood Pressure Medications: https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/changes-you-can-make-to-manage-high-blood-pressure/types-of-blood-pressure-medications (Ngày truy cập: 22/04/2024)

 
Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.