Mẹ bầu suy giáp có nguy cơ gì?
Suy giáp là gì?
Tuyến giáp nằm ở vùng cổ chịu trách nhiệm sản xuất hormone giáp. Hormone giáp tham gia điều hòa chuyển hóa của cơ thể. Suy giáp là tình trạng tuyến giáp của bạn không tổng hợp đủ hormone theo nhu cầu cơ thể.
Lý do trực tiếp dẫn đến suy giáp là không còn đủ mô tuyến giáp hoạt động bình thường. Các nguyên nhân thường gặp là viêm giáp, sau điều trị cường giáp hoặc ung thư giáp (iod phóng xạ, phẫu thuật cắt tuyến giáp). Ít gặp hơn là suy giáp do chế độ ăn thiếu iod (hiện nay rất hiếm) hoặc suy giáp do bất thường tuyến giáp từ lúc còn là bào thai.
Suy giáp trong giai đoạn mang thai khác gì với phụ nữ không mang thai?
Trong những tháng đầu thai kì, thai nhi chưa có tuyến giáp. Do đó, thai nhi phụ thuộc vào nguồn hormone giáp từ mẹ truyền qua. Nếu mẹ suy giáp, không chỉ mẹ thiếu hormone mà cả em bé cũng thiếu hormone. Vì vậy, suy giáp trong lúc mang thai được quan tâm nhiều vì ảnh hưởng cả hai.
Có hai tình huống được chẩn đoán suy giáp trong thai kì. Thứ nhất, bệnh nhân mới được chẩn đoán suy giáp lần đầu khi mang thai. Thứ hai, bệnh nhân đã biết suy giáp từ trước nhưng điều trị không đúng mức. Dù là tình huống nào, ảnh hưởng đều tương tự nhau (Hình 1) [1].
Hậu quả của suy giáp trong thai kì
Ảnh hưởng lên mẹ
Suy giáp gây khó khăn trong việc duy trì một thai kì bình thường và khỏe mạnh. Nguy cơ sảy thai, nhau bong non, tăng huyết áp trong thai kỳ, thiếu máu hay băng huyết sau sinh là những biến chứng đã được báo cáo [2].
Với các vấn đề trong thai kì kể trên, ví dụ nhau bong non, mẹ có thể khó duy trì mang thai đến khi đủ tháng. Sinh non hoặc thậm chí nặng hơn là sảy thai đã được ghi nhận ở mẹ bầu suy giáp.
Suy giáp được chứng minh làm thay đổi chức năng cơ tim và làm các mạch máu của bạn trở nên ít đàn hồi hơn. Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp trong thai kì [3].
Trong lúc chuyển dạ, cơn co thắt tử cung là hiện tượng sinh lý bình thường để tạo thuận lợi cho em bé sinh ra. Ở phụ nữ suy giáp, tử cung có thể co ít hơn và co yếu hơn. Vì vậy, mẹ bầu đôi khi chuyển dạ kéo dài. Điều này dễ làm em bé ngạt, trong khi mẹ có khả năng bị băng huyết sau sinh, khó cầm máu. Đôi khi, bác sĩ cần đến các thủ thuật như giác hút hoặc kẹp để hỗ trợ bé sinh ra. Khi những phương pháp này không hiệu quả, bạn sẽ được bác sĩ đề nghị chuyển sang sinh mổ thay vì sinh thường.
Sau khi sinh, mẹ suy giáp dễ bị trầm cảm hơn. Đôi khi bệnh nhân tiết ít sữa hơn bình thường, dẫn đến không đủ sữa cho bé bú.
Ảnh hưởng trên thai
Hệ quả dễ thấy và sớm nhất đối với em bé nếu mẹ bị suy giáp không điều trị là khả năng sinh non hoặc sảy thai. Nếu sinh quá non tháng và nhẹ cân, trẻ có thể gặp nhiều vấn đề sức khỏe. Một số ví dụ là hệ cơ quan chưa hoàn thiện hay sức đề kháng kém.
Khi mới chào đời, trẻ sinh ra từ mẹ suy giáp có nguy cơ bị suy hô hấp, vàng da, hạ đường huyết, hạ calci máu hoặc nặng hơn là nhiễm trùng huyết [4]. Đây là những dấu hiệu mà bác sĩ có thể nhận thấy được sớm. Ngoài ra, trẻ có khả năng gặp các bất thường hệ cơ quan một cách kín đáo. Đôi khi chúng chỉ được phát hiện muộn một cách tình cờ khi trẻ lớn lên hoặc khi xảy ra biến chứng khác. Trong số này, bất thường hệ niệu dục hoặc cơ xương thường gặp hơn. Một số ít gặp bất thường tim mạch hay tiêu hóa [4].
Một hậu quả của suy giáp trong thai kì đã được công nhận rộng rãi là ảnh hưởng trên sự phát triển não bộ của trẻ. Hormone giáp tham gia trực tiếp vào sự hình thành hệ thần kinh từ khi còn là bào thai. Do đó, nếu mẹ bị suy giáp, trẻ không có đủ hormone để đảm bảo sự trưởng thành hệ thần kinh.
Nhiều nghiên cứu ghi nhận trẻ sinh ra từ mẹ suy giáp dễ có điểm IQ thấp, chỉ số phát triển tâm-thần kinh thấp và khả năng học kém hơn. Điều này không chỉ gặp ở trẻ với mẹ bị suy giáp không điều trị mà còn cả mẹ suy giáp nhưng điều trị chưa đúng mức [5-8].
>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng ở người có bệnh tuyến giáp
Phụ nữ suy giáp có thể mang thai không?
Phụ nữ suy giáp vẫn mang thai và sinh em bé được. Tuy nhiên, bạn được khuyến cáo điều trị suy giáp thật ổn định trước khi bắt đầu có thai. Điều này giúp cả mẹ và bé có một thai kì khỏe mạnh, ít biến chứng hơn.
Làm thế nào để hạn chế ảnh hưởng của suy giáp trong thai kì?
Như đã nói ở trên, cách tốt nhất là điều trị tích cực suy giáp trước khi bắt đầu mang thai. Suy giáp được điều trị bằng cách bổ sung hormone giáp hàng ngày. Điều trị ổn định ở đây được hiểu là chức năng tuyến giáp không thay đổi thêm với một liều dùng cố định trong thời gian dài.
Khi phát hiện có thai, bạn cần thông báo cho bác sĩ để chỉnh liều hormone giáp. Thông thường bác sĩ có thể chỉ định tăng thêm 20-30% liều đang dùng hàng ngày. Điều này giúp đảm bảo đủ liều hormone giáp cho cả mẹ và bé.
Nếu trước đây chưa từng phát hiện suy giáp, bạn vẫn nên xét nghiệm chức năng tuyến giáp trước khi hoặc mới vừa bắt đầu thai kì. Như vậy, bạn có cơ hội điều chỉnh bất thường từ sớm trước khi suy giáp ảnh hưởng lên em bé.
Tóm lại, suy giáp trong thai kì gây ảnh hưởng cho cả mẹ và bé. Trong đó, tác động trên con nặng nề hơn nếu không được điều chỉnh. Việc tầm soát chức năng tuyến giáp sớm, điều trị ổn định trước khi bắt đầu có thai và theo dõi sát trong lúc mang thai là cần thiết để hạn chế tối đa hậu quả của suy giáp.
>> Xem thêm: Ai dễ có nguy cơ mắc suy giáp?
Tài liệu tham khảo
- https://obgynkey.com/thyroid-dysfunction-and-its-emergencies-in-pregnancy/
- Abalovich M, Gutierrez S, Alcaraz G, Maccallini G, Garcia A, Levalle O. Overt and subclinical hypothyroidism complicating pregnancy. Thyroid. 2002;12:63–66
- Kattah A, Garovic VD. Subclinical hypothyroidism and gestational hypertension: causal or coincidence? J Am Soc Hypertens 2016; 10: 688–690.
- Kiran Z, Sheikh A, Humayun KN, Islam N. Neonatal outcomes and congenital anomalies in pregnancies affected by hypothyroidism. Ann Med. 2021;53(1):1560-1568
- Man EB, Jones WS, Holden RH, Mellits ED. Thyroid function in human pregnancy, 8, Retardation of progeny aged 7 years: Relationships to maternal age and maternal thyroid function. Am J Obstet Gynecol. 1971;111:905–16
- Haddow JE, Palomaki GE, Allan WC, Williams JR, Knight GJ, Gagnon J, et al. Maternal thyroid deficiency during pregnancy and subsequent neuropsychological development of the child. N Engl J Med. 1999;341:549–55
- Rovet JF. Neurodevelopmental consequences of maternal hypothyroidism during pregnancy (abstract 88;annual Meeting of the American Thyroid Association) Thyroid. 2004;14:710
- Pop VJ, Kuijpens JL, van Baar AL, Verkerk G, van Son MM, de Vijlder JJ, et al. Low maternal free thyroxine concentrations during early pregnancy are associated with impaired psychomotor development in infancy. Clin Endocrinol (Oxf) 1999;50:149–55
VN_GM_THY_190; exp: 31/12/2024
- Mẹ bầu mắc suy giáp trong thai kỳ có nguy cơ gì khi sinh?
- Những câu hỏi thường gặp về ung thư giáp
- Thay đổi giọng nói sau phẫu thuật tuyến giáp: Nguy cơ và cải thiện
- Điều trị ung thư giáp có ảnh hưởng khả năng sinh sản hay không?
- Suy giáp bẩm sinh: Biểu hiện, nguyên nhân và tầm soát sau sinh
- Mức độ quan trọng và thời điểm mẹ bầu cần tầm soát bệnh lý tuyến giáp
- Ung thư tuyến giáp sống được bao lâu? Tiên lượng cho từng loại ung thư
- Ung thư tuyến giáp nên ăn gì? Chế độ dinh dưỡng phù hợp cho bệnh nhân
- Khi nào cần tầm soát ung thư giáp? Tầm quan trọng và phương pháp
- Những câu hỏi thường gặp về suy giáp
- Ung thư tuyến giáp có thể chữa khỏi không? Phân loại và điều trị