10 triệu chứng suy giáp thường gặp người bệnh cần lưu tâm
Hội Tim mạch học Việt Nam
Bệnh lý tuyến giáp khá phổ biến trong dân số. Các vấn đề tuyến giáp thường tăng theo tuổi và cách thức ảnh hưởng đến người lớn cũng khác với trẻ em. Vai trò căn bản nhất của hormon giáp là điều hòa chuyển hóa năng lượng và tăng trưởng của cơ thể. Rối loạn xảy ra khi hormon giáp nằm ở mức quá cao hoặc quá thấp so với ngưỡng bình thường.
Suy giáp đồng nghĩa với bạn bị thiếu hormon giáp. Hậu quả là giảm chuyển hóa, giảm khả năng làm việc của nhiều cơ quan trong cơ thể. Người mắc suy giáp có thể gặp phải nhiều triệu chứng khác nhau. Không có triệu chứng đơn độc nào đặc hiệu cho suy giáp. Càng có nhiều triệu chứng trong số này thì bạn có khả năng mắc suy giáp càng cao (Hình 1) [1]. Sau đây là mười biểu hiện thường gặp trong suy giáp [1, 2].
1. Mệt mỏi
Một trong các biểu hiện phổ biến ở người suy giáp là cảm thấy luôn mệt mỏi, thiếu năng lượng. Hormon giáp kiểm soát điều hòa năng lượng và ảnh hưởng đến trạng thái sẵn sàng làm việc hay cần nghỉ ngơi của bạn. Ở động vật khi ngủ đông, hormon giáp thường giảm thấp xuống [3].
Ở người, các nghiên cứu ghi nhận khoảng 50% người suy giáp luôn cảm thấy mệt mỏi thường trực, ngủ nhiều hơn, không có sức lực để hoạt động thể chất, thiếu động lực làm việc và mệt mỏi cả về tinh thần [4, 5]. Cảm thấy buồn ngủ nhiều hơn bình thường mà không có nguyên nhân rõ ràng (ví dụ do làm việc cường độ cao, thiếu ngủ trước đó) có thể là một dấu hiệu khởi đầu của suy giáp.
Mệt mỏi là dấu hiệu đầu tiên của suy giáp
>> Xem thêm: Suy giáp: Triệu chứng, đối tượng mắc bệnh và chế độ dinh dưỡng
2. Tăng cân
Tăng cân không giải thích được (không ăn nhiều hơn, không giảm vận động thể lực so với thông thường) cũng có thể là một biểu hiện của suy giáp. Việc thiếu hormon giáp làm các hoạt động chuyển hóa giảm đi, giảm đốt calo bằng cách gửi tín hiệu đến gan, cơ và mô mỡ. Do vậy, thay vì được sử dụng để lấy năng lượng cho cơ thể, phần dinh dưỡng từ thức ăn được tích trữ lại dưới dạng mô mỡ, làm cho bạn tăng cân.
Một nghiên cứu ghi nhận sau một năm kể từ thời điểm chẩn đoán suy giáp, nếu không được điều trị đúng cách, người bệnh có thể tăng từ 7-14 kg [6]. Tuy nhiên, nếu bạn tăng cân gần đây thì điều đầu tiên cần kiểm tra vẫn là xem có thay đổi chế độ sinh hoạt, ăn uống và luyện tập hay không.
3. Cảm thấy lạnh
Nhiệt lượng là một sản phẩm của quá trình đốt cháy năng lượng. Ví dụ, khi bạn hoạt động thể lực, cơ thể sử dụng năng lượng và sinh nhiệt gây cảm giác nóng, đổ mồ hôi. Ngay cả khi bạn ngồi nghỉ, cơ thể vẫn tạo ra một lượng nhiệt năng nhỏ.
Ở người suy giáp, vì hormon giáp giảm thấp nên chuyển hóa cơ bản của cơ thể cũng giảm. Nói cách khác, bệnh nhân suy giáp rất ít sinh nhiệt. Ngoài ra, suy giáp còn thay đổi điều hòa hoạt động của mô mỡ nâu (một dạng mỡ của cơ thể bên cạnh mỡ trắng, chịu trách nhiệm sinh nhiệt). Ở người sống tại vùng khí hậu lạnh, mô mỡ nâu rất quan trọng đối với việc giữ ấm cơ thể.
Quay trở lại với suy giáp, tình trạng thiếu hormon ngăn cản hoạt động của mô mỡ này.Vì vậy, khoảng 40% người bệnh suy giáp thường có cảm giác lạnh, ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời không quá thấp [5]. Tuy nhiên, nếu đã từ lâu bạn luôn có cảm giác lạnh hơn người xung quanh, đó có thể là vì cơ thể bạn được quy định bình thường như thế. Chỉ khi dấu hiệu xuất hiện gần đây, bạn mới cần nghĩ đến suy giáp.
4. Yếu hoặc đau cơ và khớp
Suy giáp có thể chuyển cơ thể sang trạng thái dị hóa nhiều hơn, nghĩa là cơ thể ưu tiên phá hủy các mô cơ thể của bạn để lấy năng lượng, trong đó có một phần mô cơ [6]. Vì vậy, mặc dù bạn tăng cân, phần cân nặng dư thừa này lại đến từ mỡ, trong khi cơ giảm. Việc này dẫn đến tình trạng yếu cơ, đau cơ, hoặc triệu chứng giống chuột rút.
Người bình thường vẫn đôi khi có những triệu chứng kể trên, đặc biệt khi hoạt động quá nặng. Tuy nhiên, bệnh nhân suy giáp có khả năng gặp các biểu hiện này gấp đôi so với người thường [5]. Ngược lại, khi được điều trị bổ sung hormon giáp đúng mức, nghiên cứu cho thấy cải thiện triệu chứng rõ rệt, kể cả với người suy giáp nhẹ [8].
Yếu hoặc đau cơ và khớp là triệu chứng suy giáp
5. Rụng tóc
Giống như phần lớn các loại tế bào khác, nang tóc cũng được điều hòa bởi hormon giáp. Tế bào nang tóc vốn có vòng đời ngắn, chu chuyển tái tạo liên tục nên nhạy cảm với hormon giáp hơn. Khi nồng độ hormon giáp trong cơ thể giảm, nang tóc ít kịp tái tạo, thay mới để bù cho lượng tóc rụng mất đi bình thường. Do vậy, sau một thời gian, bạn có thể cảm thấy tóc thưa, dễ rụng hơn. Nếu đủ lâu, bạn có thể nhận thấy hói đầu.
Hói đầu trong bệnh lý suy giáp thường xảy ra đều toàn thể các vị trí trên đầu, khác với một số bệnh lý nội tiết khác gây hói rõ ở một vùng cụ thể. Đây cũng không phải triệu chứng đặc hiệu cho suy giáp mà còn gặp trong nhiều bệnh lý da liễu, nội tiết hay vấn đề dinh dưỡng khác. Vì vậy, nếu gặp phải triệu chứng này, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán.
6. Da khô và ngứa
Tương tự như tóc, tế bào da chịu ảnh hưởng điều khiển chu trình tái tạo bởi hormon giáp. Khi suy giáp, lượng hormon giáp thấp làm giảm tín hiệu để da thay mới. Lúc này, da cần thời gian lâu hơn để tế bào biểu bì mới thay thế cho biểu bì cũ bong tróc. Vì vậy, hàng rào bảo vệ ngoài cùng của da luôn trở nên yếu, dễ có cảm giác khô và ngứa.
Nghiên cứu ghi nhận khoảng 74% bệnh nhân suy giáp báo cáo triệu chứng da khô. Nhưng cũng cần chú ý rằng, đến 50% người với chức năng tuyến giáp bình thường vẫn có thể gặp vấn đề da liễu do nhiều nguyên nhân khác nhau. Do vậy, rất khó để quy kết triệu chứng da khô này do bệnh lý tuyến giáp [5, 9].
Ngoài khô da, có một triệu chứng hiếm gặp hơn nhưng lại rất đặc hiệu với bệnh lý tuyến giáp là phù niêm, đặc biệt ở vùng cẳng chân. Biểu hiện này đôi khi xảy ra với bệnh lý suy giáp do nguyên nhân tự miễn (viêm giáp Hashimoto).
>> Xem thêm: Nguy cơ suy giáp không điều trị
7. Trầm cảm
Ngoài sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng bởi suy giáp. Cảm giác lo âu, trầm cảm, thiếu động lực gặp khá phổ biến ở người suy giáp (Hình 2) [10]. Nguyên nhân chưa rõ, nhưng được cho là do giảm hoạt động của hormon giáp ở não, và do tình trạng sa sút năng lượng, sức khỏe toàn bộ cơ thể nói chung. Nữ có thể mắc trầm cảm cao hơn nam nhưng tỷ lệ báo cáo về triệu chứng lo âu thì tương tự giữa hai giới [11].
Sự dao động của hormon giáp sau sinh cũng có liên quan đến một bệnh lý khác là trầm cảm sau sinh. Người bệnh cũng có thể ảnh hưởng tâm lý một phần bởi suy giáp gây thay đổi chức năng, sức khỏe tình dục. Mặc dù vậy, một điều tích cực là những biểu hiện này có thể cải thiện nếu được điều trị bổ sung hormon giáp.
Suy giáp dẫn đến trầm cảm
8. Khó tập trung, giảm trí nhớ
Nhiều bệnh nhân suy giáp báo cáo gặp phải triệu chứng như sương mù não, không thể nhớ rõ những hoạt động đời sống thường nhật. Họ cũng khó tập trung làm việc, suy nghĩ khó khăn hơn, đặc biệt với các hoạt động cần đến tư duy, tính toán. Đây là một biểu hiện phổ biến, ngay cả với người bình thường, đặc biệt khi bạn dần lớn tuổi.
Tuy nhiên, nếu chúng mới xảy ra đột ngột gần đây thì một lý do có thể nghĩ đến là suy giáp. Cũng tương tự những biểu hiện của hệ thần kinh khác liên quan đến suy giáp như trầm cảm, lo âu, hiện tượng giảm trí nhớ, khó tập trung có thể cải thiện nếu bạn được điều trị bổ sung hormon giáp.
Giảm trí nhớ là triệu chứng suy giáp thường gặp
9. Táo bón
Hormon giáp điều hòa nhu động ruột của bạn. Khi nồng độ hormon giáp giảm trong suy giáp, hoạt động ruột giảm đi, làm tăng thời gian thức ăn được giữ trong ruột, do đó gây triệu chứng táo bón. Người bình thường cũng có thể bị táo bón (10%), nhưng người suy giáp gặp biểu hiện này thường xuyên hơn hoặc tiến triển dần nặng hơn (17%) [5].
Tuy nhiên, rất ít bệnh nhân suy giáp chỉ có mỗi triệu chứng này hoặc gặp triệu chứng này mức độ nặng. Nói cách khác, đa phần người mắc táo bón là do nguyên nhân khác chứ không phải suy giáp. Vì vậy, bạn cần để ý thêm cả những triệu chứng khác đã đề cập ở trên. Việc xuất hiện đồng thời càng nhiều dấu hiệu thì khả năng mắc suy giáp càng cao.
>> Xem thêm: Chế độ dinh dưỡng ở người có bệnh tuyến giáp
10. Kinh nguyệt bất thường
Nếu bạn là nữ và mắc suy giáp, có khả năng kinh nguyệt của bạn sẽ thay đổi khác thường. Thông thường, giảm hormon giáp làm thời gian hành kinh kéo dài hơn và mỗi lần hành kinh chảy máu nhiều hơn. Ngoài ra, chu kỳ kinh nguyệt có thể cũng bất thường, không theo số ngày định kỳ như trước đây. Điều này là do sự tương tác giữa hormon giáp và các hormon sinh dục trong việc điều khiển chu kỳ kinh nguyệt bình thường bị trục trặc khi hormon giáp giảm thấp. Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến bệnh lý tuyến giáp, bạn nên cân nhắc khả năng các vấn đề phụ khoa trước.
Tóm lại, suy giáp có nhiều biểu hiện nhưng đa phần ít đặc hiệu. Sự phối hợp xuất hiện của càng nhiều triệu chứng thì khả năng mắc suy giáp càng cao, trong trường hợp đó bạn nên tới khám và tham vấn bác sĩ để có thể chẩn đoán chính xác.
Tài liệu tham khảo
- https://www.healthline.com/nutrition/hypothyroidism-symptoms
- https://www.richardlipmanmd.com/low-thyroid-weight-gain/
- Tomasi TE, Hellgren EC, Tucker TJ. Thyroid hormone concentrations in black bears (Ursus americanus): hibernation and pregnancy effects. Gen Comp Endocrinol. 1998;109(2):192-199
- Kaltsas G, Vgontzas A, Chrousos G. Fatigue, endocrinopathies, and metabolic disorders. PM R. 2010;2(5):393-398
- Canaris GJ, Steiner JF, Ridgway EC. Do traditional symptoms of hypothyroidism correlate with biochemical disease?. J Gen Intern Med. 1997;12(9):544-550
- Gupta V, Lee M. Central hypothyroidism. Indian J Endocrinol Metab. 2011;15(Suppl 2):S99-S106
- Saguil A. Evaluation of the patient with muscle weakness. Am Fam Physician. 2005;71(7):1327-1336
- Reuters VS, Almeida Cde P, Teixeira Pde F, et al. Effects of subclinical hypothyroidism treatment on psychiatric symptoms, muscular complaints, and quality of life. Arq Bras Endocrinol Metabol. 2012;56(2):128-136
- Safer JD. Thyroid hormone action on skin. Dermatoendocrinol. 2011;3(3):211-215
- https://advancedfunctionalmedicine.com.au/the-link-between-depression-and-hashimotos-thyroid-disease/
- Krysiak R, Drosdzol-Cop A, Skrzypulec-Plinta V, Okopien B. Sexual function and depressive symptoms in young women with thyroid autoimmunity and subclinical hypothyroidism. Clin Endocrinol (Oxf). 2016;84(6):925-931
VN_GM_THY_220;exp:30/6/2025
- Những điều cần biết về ung thư tuyến giáp thể nhú
- Bệnh nhân suy giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì?
- Nhận biết 6 dấu hiệu ung thư tuyến giáp để có phương án điều trị hợp lý
- Dấu hiệu u tuyến giáp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- Những điều cần biết về bệnh ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú
- 10 biểu hiện suy giáp chớ nên xem thường!
- Suy giáp ảnh hưởng đến sinh sản ra sao? Chi tiết về suy giáp thai kỳ
- Giải đáp thắc mắc: Bệnh suy giáp sống được bao lâu và chữa khỏi được không?
- Suy giáp bẩm sinh: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- Cường giáp khi mang thai: Căn bệnh nguy hiểm cho sản phụ và thai nhi
- Bệnh cường giáp có phải là ung thư không? Mức độ nguy hiểm và điều trị
- Bệnh Basedow là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị