Biến chứng tăng huyết áp: Căn bệnh nguy hiểm chớ nên bỏ qua
Tăng huyết áp được ví như “ kẻ giết người thầm lặng” là một trong những yếu tố hàng đầu gây ra các bệnh tim mạch và đột quỵ trên toàn cầu hiện nay. Đặc biệt, căn bệnh này không chỉ gây ra những tổn thương trực tiếp cho hệ tim mạch mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về biến chứng tăng huyết áp và dấu hiệu nhận biết sớm để tránh những hậu quả nghiêm trọng mà nó có thể gây ra.
1. Thế nào là tăng huyết áp?
Tăng huyết áp hay còn được gọi là cao huyết áp là tình trạng áp lực máu trong các mạch máu cao hơn mức bình thường khiến cho tim phải làm việc nặng hơn để bơm máu đi được khắp cơ thể. Đây cũng chính là một trong những nguy cơ chính gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, suy thận và những tình trạng bệnh nghiêm trọng khác. Theo những khuyến cáo của các y bác sĩ, chuyên gia trong các Hội tim mạch thì tăng huyết áp được định nghĩa là khi chỉ số huyết áp đo tại cơ sở Y tế lớn 140/90mmHg. [1]
Tăng huyết áp được chia thành hai loại chính:
- Tăng huyết áp nguyên phát (hay tăng huyết áp thiếu nguyên nhân): Chiếm khoảng 90 - 95% trong các trường hợp không có nguyên nhân cụ thể nhưng thường liên quan bởi những yếu tố như tuổi tác, chế độ ăn uống, lối sống và di truyền.
- Tăng huyết áp thứ phát (hay tăng huyết áp có nguyên nhân): Chiếm 5-10% các trường hợp, tăng huyết áp thứ phát có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số bệnh lý khác như bệnh thận, rối loạn nội tiết, hoặc sử dụng một số loại thuốc nhất định.[2]
2. Tăng huyết áp có nguy hiểm không?
Tăng huyết áp là tình trạng sức khỏe rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Dưới đây là một số lý do tại sao tăng huyết áp lại nguy hiểm[1]:
- Gây biến chứng cho tim mạch: Tăng huyết áp làm tăng áp lực lên các mạch máu và tim, khiến tim phải làm việc nặng để bơm máu. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như suy tim, đau tim, và phình mạch máu. Ngoài ra, tăng huyết áp còn làm tổn thương toàn bộ hệ thống mạch máu của cơ thể, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tắc mạch…
- Đột quỵ: Áp lực máu cao có thể gây tổn thương hoặc làm yếu các mạch máu trong não, dẫn đến chúng bị vỡ hoặc tắc nghẽn, có thể gây ra đột quỵ. Đột quỵ có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn hoặc tử vong.
- Suy thận: Tăng huyết áp có thể gây hại cho các mạch máu nhỏ trong thận, làm suy giảm chức năng thận và có thể dẫn đến suy thận mãn tính.
- Rối loạn thị giác: Áp lực máu cao gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở mắt, gây ra các vấn đề về thị lực và thậm chí là mù lòa.
- Suy giảm chức năng nhận thức: Tăng huyết áp có thể ảnh hưởng đến khả năng suy nghĩ, học hỏi và nhớ thông tin, và có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các bệnh lý giảm trí tuệ khác.
>> Xem thêm: Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
3. 6 biến chứng tăng huyết áp khi không điều trị dứt điểm
Dưới đây là một số biến chứng tăng huyết áp có thể xảy ra khi không điều trị dứt điểm[2]:
3.1. Gây suy tim
Tình trạng này xảy ra khi tim không còn đủ khả năng bơm máu để đáp ứng được nhu cầu của cơ thể. Cơ chế chính gây ra suy tim khi tăng huyết áp là do áp lực máu cao liên tục, khiến tim phải làm việc nặng. Điều này dẫn đến phì đại tâm thất trái, đây là tình trạng tâm thất trái của tim dày lên để có thể co bóp mạnh mẽ hơn. Theo thời gian thì cơ tim này dày lên mất đi tính đàn hồi và trở nên cứng hơn làm giảm khả năng bơm máu.
3.2. Làm phình và bóc tách động mạch chủ
Làm phình động mạch chủ là tình trạng thành động mạch chủ bị giãn ra, tạo thành một túi phình lớn. Điều này xảy ra do áp lực máu cao liên tục tác động lên thành động mạch, làm suy yếu các lớp của thành mạch. Động mạch chủ là động mạch lớn nhất trong cơ thể, dẫn máu từ tim đến các cơ quan khác, do đó bất kỳ sự suy giảm nào ở động mạch này đều có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Phình động mạch chủ có thể không gây ra triệu chứng rõ ràng cho đến khi nó vỡ, dẫn đến chảy máu nội tạng cấp tính và có thể gây tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Bóc tách động mạch chủ là tình trạng lớp trong của thành động mạch chủ bị rách, cho phép máu chảy vào giữa các lớp của thành động mạch, làm cho các lớp này tách rời nhau, gây ra đau đớn dữ dội, hơn nữa lớp máu tụ giữa các lớp thành mạch dày lên có thể chèn ép và làm bít tắc các mạch máu nuôi các cơ quan bộ phận, gây suy tạng. Đây là biến chứng của tăng huyết áp có thể đe dọa tính mạng và cần được hiểu rõ để phòng ngừa và xử lý kịp thời.
3.3. Gây nên căn bệnh động mạch ngoại vi
Khi huyết áp cao không được kiểm soát, áp lực máu lưu thông trong động mạch tăng lên, dẫn đến tổn thương nội mạc động mạch. Tổn thương này tạo điều kiện thuận lợi cho cholesterol và các chất khác trong máu dễ dàng tích tụ tại các vị trí bị tổn thương, dần dần hình thành các mảng bám. Các mảng bám này có thể làm hẹp và cứng hóa động mạch, giảm lưu lượng máu đến các chi và các bộ phận khác của cơ thể.
Triệu chứng phổ biến nhất là đau chân khi đi bộ hoặc tập thể dục. Đau thường giảm khi nghỉ ngơi, nhưng có thể trở nên tồi tệ hơn khi mảng bám tiếp tục phát triển và cản trở lưu thông máu nhiều hơn. Nếu không được điều trị, có thể tiến triển đến mức gây đau nghiêm trọng, thậm chí khi nghỉ ngơi và có thể dẫn đến hoại tử chân, yêu cầu phải cắt bỏ. Đây cũng chính là một trong những biến chứng tăng huyết áp nguy hiểm khi điều trị không dứt điểm mà bệnh nhân cần lưu ý.
>> Xem thêm: Yếu tố nguy cơ và hậu quả của không kiểm soát huyết áp
3.4. Gây biến chứng ở mắt
Biến chứng tăng huyết áp này được gọi là bệnh mạch máu võng mạc. Tăng huyết áp gây ra sự gia tăng áp lực máu trong các mạch máu nhỏ, bao gồm cả những mạch máu nuôi dưỡng võng mạc - phần của mắt nhạy cảm với ánh sáng và có vai trò quan trọng đảm bảo khả năng nhìn.
Áp lực máu cao sẽ dẫn đến các tổn thương như làm hẹp mạch máu hoặc rò rỉ. Trong trường hợp nghiêm trọng, các mạch máu có thể bị tắc nghẽn hoàn toàn, làm giảm lưu lượng máu đến võng mạc, dẫn đến các vấn đề về thị giác.
Ban đầu, bệnh mạch máu võng mạc do tăng huyết áp có thể không gây ra triệu chứng rõ ràng, nhưng khi phát triển, nó có thể dẫn đến các triệu chứng như:
- Mờ mắt.
- Nhìn thấy các đốm đen hoặc dải sáng.
- Mất thị lực đột ngột hoặc dần dần.
3.5. Rối loạn trí nhớ
Nếu như tăng huyết áp không được chữa trị kịp thời hoặc dứt điểm thì có thể gây ra biến chứng huyết áp rối loạn trí nhớ và suy giảm nhận thức. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mối liên hệ giữa tăng huyết áp và suy giảm chức năng nhận thức là rất rõ ràng, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Khi huyết áp tăng cao sẽ gây áp lực lên các mạch máu trong não. Theo thời gian lâu dài, áp lực này gây tổn thương đến các mạch máu nhỏ dẫn đến suy giảm lượng máu chuyển đến não. Lưu lượng máu giảm có thể làm chậm quá trình cung cấp oxy và dưỡng chất cần thiết cho các tế bào não hoạt động hiệu quả. Khi não không nhận đủ máu, điều này có thể dẫn đến các vấn đề như đột quỵ và các dạng suy giảm nhận thức khác, bao gồm rối loạn trí nhớ.
3.6. Dẫn đến đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi lưu lượng máu đến một phần của não bị gián đoạn, do mạch máu bị tắc nghẽn hoặc vỡ, gây tổn thương tế bào não. Nếu như không điều trị dứt điểm thì có thể gây ra biến chứng tăng huyết áp này.
- Tổn thương mạch máu: Huyết áp cao liên tục gây áp lực lớn lên thành mạch máu, làm yếu đi và dần tổn thương chúng. Điều này có thể dẫn đến sự hình thành của các mảng bám, làm hẹp và cứng các động mạch, giảm lưu lượng máu đến não.
- Tắc nghẽn mạch máu: Khi mảng bám lớn dần có thể gây tắc nghẽn hoàn toàn một mạch máu, cắt đứt nguồn cung cấp máu đến các phần của não, gây ra đột quỵ thiếu máu cục bộ.
- Vỡ mạch máu: Huyết áp cao cũng có thể dẫn đến vỡ các mạch máu trong não. Điều này gây ra đột quỵ xuất huyết, khi máu rò rỉ vào các vùng xung quanh não và gây tổn thương.
4. Những dấu hiệu nhận biết biến chứng tăng huyết áp
Khi tăng huyết áp phát triển thành các giai đoạn nặng hơn hoặc chuyển thành các biến chứng tăng huyết áp, một số dấu hiệu và triệu chứng có thể xuất hiện như:
- Đau đầu nặng, đặc biệt là vào buổi sáng, có thể là dấu hiệu của huyết áp cao.
- Huyết áp cao có thể gây tổn thương tim hoặc phổi, dẫn đến khó thở, đặc biệt khi gắng sức.
- Cảm giác chóng mặt có thể xảy ra do suy giảm lượng máu đến não.
- Tăng huyết áp có thể gây ra các vấn đề về tim, bao gồm cơn đau tim hoặc suy tim.
- Bị sưng phù ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân.
- Tổn thương mạch máu trong mắt do tăng huyết áp có thể gây ra thay đổi thị lực hoặc mờ mắt.
- Cảm giác mệt mỏi hoặc kiệt sức có thể là dấu hiệu của tim hoặc thận không hoạt động hiệu quả do huyết áp cao.
- Xuất huyết mũi có thể xảy ra khi huyết áp rất cao.
- Triệu chứng buồn nôn.[2]
Tuy nhiên, sự nguy hiểm lớn nhất của tăng huyết áp là do căn bệnh này ở các giai đoạn sớm thường không có triệu chứng rõ ràng, mà chỉ khi các biến chứng của nó đã nặng nề thì người bệnh mới ý thức được. Vì vậy, việc kiểm soát huyết áp không chỉ là một biện pháp phòng ngừa mà còn là một chiến lược thiết yếu để bảo vệ sức khỏe lâu dài. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ, thực hiện các biện pháp theo dõi và điều trị liên tục để tránh những hậu quả đáng tiếc mà tăng huyết áp có thể mang lại. Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu quan tâm đến huyết áp của bạn.
>> Xem thêm: Tăng huyết áp về đêm: những điều cần biết
Nguồn tham khảo:
1. Prevention of Hypertension and Its Complications
Theoretical Basis and Guidelines for Treatment: https://journals.lww.com/jasn/fulltext/2003/07002/prevention_of_hypertension_and_its_complications_.7.aspx (Ngày truy cập: 22/04/2024)
2. Complications of hypertension: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/hypertension (Ngày truy cập: 22/04/2024)
- Các ứng dụng di động theo dõi sức khoẻ cho người tăng huyết áp
- Công thức nấu ăn cho người tăng huyết áp: Thực đơn 7 ngày
- 4 tác động của tăng huyết áp đến sức khỏe tinh thần cần lưu ý
- Tăng huyết áp và giấc ngủ: Mức độ ảnh hưởng, biến chứng và phòng ngừa
- Tình dục và tăng huyết áp có mối liên quan và mức độ ảnh hưởng ra sao?
- Giải pháp quản lý tăng huyết áp tại nơi làm việc đơn giản và hiệu quả
- Chi tiết về huyết áp kẹt: Mức độ nguy hiểm và hướng dẫn phòng ngừa
- Người huyết áp cao nên ăn gì và kiêng gì? Lối sống hiện đại ảnh hưởng tới tăng huyết áp như thế nào?
- Hiểu rõ chỉ số huyết áp và nguyên nhân tăng huyết áp ở giới trẻ
- Kiểm soát chỉ số huyết áp và tần số tim tại nhà với 10 cách đơn giản
- Tần số tim là gì? Chỉ số tần số tim bao nhiêu là bình thường?
- 7 cách quản lý huyết áp tại nhà có thể bạn chưa biết
Đánh giá nguy cơ bệnh
Chỉ cần 5 phút để đánh giá nguy cơ bệnh lý của bạn. Giúp bạn xử trí kịp thời.
Bạn muốn đánh giá nguy cơ bệnh nào ?
- Bệnh đái tháo đường
- Bệnh tiền đái tháo đường
- Bệnh lý tim mạch
- Bệnh lý tuyến giáp