Nhịp tim và huyết áp: Chỉ số trong điều trị tăng huyết áp

Đằng sau những con số tăng huyết áp và nhịp tim

Đằng sau những con số tăng huyết áp và nhịp tim

Khi khám sức khỏe, bạn thường được kiểm tra 2 số đo quan trọng là nhịp tim và huyết áp. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nhịp tim và huyết áp, để biết được huyết áp có liên quan đến nhịp tim không và mối liên quan giữa chúng. Đồng thời, bài viết sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức về mục tiêu nhịp tim và huyết áp cần lưu ý trong điều trị bệnh tăng huyết áp.

Huyết áp là gì?

Huyết áp được định nghĩa là áp lực của máu tác động trên thành mạch. Và huyết áp được đo bằng đơn vị milimet thuỷ ngân (mmHg). Huyết áp được biểu diễn dưới dạng 2 số ví dụ như "110/70 mmHg". Số đằng trước/số lớn hơn là số đo của huyết áp tâm thu đo được khi tim co bóp (tim đập). Số đằng sau/số nhỏ hơn là số đo của huyết áp tâm trương đo được vào lúc tim nghỉ ngơi giữa 2 nhịp đập. Huyết áp bình thường ở người lớn thường ở mức thấp hơn 120/80 mmHg.

Nhịp tim là gì?

Nhịp tim là số lần tim co bóp (tim đập) trong 60 giây (1 phút). Nhịp tim bình thường sẽ thay đổi tùy theo mỗi người và tùy theo hoạt động thể chất. Một người khi nghỉ ngơi, đang không mắc bất kỳ bệnh lý gì, nhịp tim trung bình sẽ từ 60 - 100 lần/phút. Nhịp tim khi nghỉ ngơi ở người bình thường sẽ dao động ở mức 60 lần/phút trở lên. Đây là nhịp tim tối thiểu để tim có thể duy trì lượng máu nuôi cho cơ thể khi bạn không vận động. 

Tuy nhiên, nhịp tim dưới 60 lần/phút không hẳn là biểu hiện của một vấn đề sức khỏe. Các vận động viên thể thao, những người thường xuyên hoạt động thể chất, nhịp tim khi nghỉ ngơi có thể thấp ở mức 40 lần/phút. Bởi vì cơ tim của họ khoẻ hơn và hoạt động tốt hơn người bình thường. Một số bệnh nhân có bệnh lý tim mạch và sử dụng các thuốc chẹn beta (ức chế beta) có thể có nhịp tim thấp hơn 60 lần/phút.

Mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp

Huyết áp và nhịp tim là 2 số đo riêng biệt và đều được sử dụng như các chỉ báo về tình trạng sức khoẻ của mỗi người. Khi con người tham gia các hoạt động thể chất, huyết áp và nhịp tim không nhất thiết phải có sự gia tăng tương xứng với nhau. 

Khi bạn tập luyện, tim có thể đập nhanh hơn để giúp bơm máu đến các cơ bắp. Và nhịp tim lúc này có thể tăng gấp đôi bình thường. Tuy nhiên, huyết áp chỉ tăng ít vì các mạch máu đã dãn ra (gia tăng đường kính mạch máu) giúp cho việc tưới máu đến vùng cơ được dễ dàng.

Mối quan hệ giữa nhịp tim và huyết áp

>> Xem thêm: 7 cách quản lý huyết áp tại nhà có thể bạn chưa biết

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là khi số đo huyết áp tâm thu tăng cao từ 140 mmHg trở lên hoặc số đo huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. Cần lưu ý là số đo huyết áp này được đo khi một người nghỉ ngơi và không sử dụng bất kỳ chất kích thích nào ảnh hưởng đến nhịp tim và huyết áp.

Theo phân loại của Hội Tim Mạch Việt Nam/Phân Hội THA Việt Nam 2018 m (VNHA/VSH), mức độ gia tăng huyết áp được chia thành các nhóm sau (lưu ý phân độ này dựa vào mức huyết áp được đo tại phòng khám):

  • Huyết áp cao hơn mức bình thường (nhưng chưa đủ để chuẩn đoán tăng huyết áp): Huyết áp tâm thu từ 120 - 139 mmHg và huyết áp tâm trương từ 80 - 89 mmHg. Đây là nhóm người được gọi là "Tiền Tăng huyết áp", có nguy cơ rất cao sẽ tiến triển thành tăng huyết áp thực sự trong tương lai.
  • Tăng huyết áp độ 1: Huyết áp tâm thu từ 140 - 159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 90 - 99 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 2: Huyết áp tâm thu từ 160 - 179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương từ 100-109 mmHg.
  • Tăng huyết áp độ 3: Huyết áp tâm thu từ 180 mmHg trở lên và/hoặc huyết áp tâm trương từ 110 mmHg trở lên. 
  • Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: đây là một phân nhóm thường gặp ở người lớn tuổi, với sự gia tăng đơn độc của chỉ số huyết áp tâm thu > 140 mmHg trong khi huyết áp tâm trương ở dưới ngưỡng chẩn đoán tăng huyết áp (< 90 mmHg).

Huyết áp và nhịp tim mục tiêu trong điều trị tăng huyết áp

Tăng huyết áp làm gia tăng nguy cơ xảy ra các bệnh lý tim mạch và đột quỵ vì vậy việc kiểm soát huyết áp và nhịp tim của người cao tuổi là 1 điều rất quan trọng. Thậm chí, tăng huyết áp có thể dẫn đến tử vong. Tại Mỹ, khoảng 45% người trưởng thành không kiểm soát huyết áp có mức huyết áp cao từ 140/90 mmHg trở lên.

Con số huyết áp mục tiêu của mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau tùy thuộc vào:

  • Độ tuổi
  • Các bệnh lý đi kèm
  • Các biến chứng liên quan đến tăng huyết áp đã có
  • Các yếu tố nguy cơ tim mạch khác liên quan đến lối sống
  • Thói quen vận động
  • Cơ địa
  • Và một số yếu tố khác

Do đó, bệnh nhân cần tìm hiểu và thảo luận với bác sĩ về mục tiêu điều trị của mình để đưa ra được nhịp tim và huyết áp chuẩn. Vậy nhịp tim và huyết áp bao nhiêu là ổn định?

Huyết áp và nhịp tim trong điều trị tăng huyết áp

>> Xem thêm: 6 Dấu hiệu tăng huyết áp cần phải thăm khám bác sĩ sớm nhất

Nhịp tim và huyết áp bao nhiêu là ổn định?

Thông thường, huyết áp mục tiêu của điều trị tăng huyết áp là duy trì huyết áp ở mức thấp hơn 140/90 mmHg. Thậm chí huyết áp có thể duy trì thấp hơn nữa ở mức dưới 130/80 mmHg nếu bệnh nhân dung nạp được hoặc ở những bệnh nhân có nguy cơ cao xảy ra các biến cố tim mạch.

Ở bệnh nhân tăng huyết áp, mặc dù các nghiên cứu về nhịp tim mục tiêu vẫn chưa có đầy đủ dữ liệu nhưng nhịp tim <80 lần/phút lúc nghỉ ngơi (đặc biệt ở bệnh nhân tăng huyết áp có điều trị với thuốc chẹn beta) được khuyến nghị.

Huyết áp mục tiêu (tham khảo) theo khuyến cáo từ các hiệp hội y khoa trên thế giới.

Huyết áp và nhịp tim bao nhiêu là ổn định?

 

Nguồn tham khảo:

  1. Blood Pressure vs. Heart Rate, https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/the-facts-about-high-blood-pressure/blood-pressure-vs-heart-rate-pulse
  2. All About Heart Rate (Pulse), https://www.heart.org/en/health-topics/high-blood-pressure/the-facts-about-high-blood-pressure/all-about-heart-rate-pulse
  3. What is High Blood Pressure?, https://www.heart.org/-/media/Files/Health-Topics/Answers-by-Heart/What-Is-High-Blood-Pressure.pdf
  4. ​Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp, https://vncdc.gov.vn/huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-tang-huyet-ap-nd14594.html
  5. Heart Rate in Hypertension: Review and Expert Opinion, doi.org/10.1155/2019/2087064
  6. http://vnha.org.vn/data/Khuyen-Cao-THA-2018.pdf

>> Xem thêm: 8 loại thuốc hạ huyết áp được chỉ định trong điều trị phổ biến

VN_GM_CV_261;EXP:30/9/2024

Copyrights © 2024 Không Một Mình - Sẻ chia lo âu, vững tâm vui sống. All rights reserved.